Tết Tân Sửu: Hoa 'héo', thịt 'tươi'
Trong khi người trồng phải bỏ mặc hoa ngoài đồng cho bò ăn thì giá thịt heo những ngày giáp Tết vẫn tăng mạnh.
Hoa ế, mang về cho bò, dê ăn
Việc liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm dịch Covid-19 mới và nhiều điểm tại TP.HCM buộc phải phong tỏa để truy vết, dập dịch vào những ngày giáp Tết Tân Sửu đã dập tắt hết hy vọng của người bán hoa cảnh chưng Tết. Trước đó, các điểm bán hoa vắng hẳn người mua, song đa số đều hy vọng, khoảng đầu tuần ngày 27 Tết (ngày 8.2) người dân TP.HCM sẽ đi mua hoa. Thế nhưng, đến sáng 27 Tết, một gốc hoa đào giá 4 triệu đồng từ ngày 24 Tết buộc phải giảm còn 1,5 triệu đồng và đến chiều 29 Tết chỉ còn 200.000 đồng.
Tối 27 Tết, trên quốc lộ 1A, đoạn đường đi qua thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), có từ hàng chục đến hàng trăm điểm bán hoa lay ơn cho người về quê ghé vào mua về chưng Tết. Mỗi lều dựng khoảng 30 – 50 bó (mỗi bó 100 bông) hoa lay ơn các loại, giá từ 300.000 - 400.000 đồng/bó. Phổ biến nhất là hoa lay đơn đỏ, đỏ ánh kim và vàng. Có thể nói đây cũng là đoạn đường bán hoa lay ơn dài nhất của Việt Nam vào dịp xuân về.
Tuy nhiên, dịch bùng phát tại TP.HCM đã khiến nhiều người dự tính về quê bằng ô tô hủy kế hoạch vì hàng loạt công văn “yêu cầu cách ly 21 ngày đối với người về từ vùng dịch” được phát đi liên tục từ các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Hai vợ chồng anh Thắng dựng lều bán hoa trên quốc lộ 1A lắc đầu nói: “Thua rồi. Không nhổ cây về, bỏ ngoài đồng thì hoa nở nhanh, mà nhổ về dựng trong lều cả ngày bán được vài bó. Còn 4.000 bông ngoài đồng chưa thu hoạch, chắc để cho bò, dê ăn. Năm nay người bán nhiều hơn người mua. Xe con về quê đã ít, xe khách lớn đến 27 Tết không thấy chiếc nào vì công nhân không về quê, xe đâu chạy”.
Các điểm bán hoa trên quốc lộ 1A ngóng chờ những chuyến xe khách đi qua ghé mua hoa về chưng Tết. Tuy nhiên, những chuyến xe thưa thớt vẫn đi thẳng, người bán ngậm ngùi cho biết, không ai mua nên phải bỏ mặc hoa ngoài đồng cho bò, dê ăn
Vậy có thể chở hoa đi bán tại các tỉnh thành khác không? Chị Hài – nhà nông, cũng là chủ một lều bán hoa lay ơn cạnh đó nói: “Nếu đưa vào Sài Gòn thì giờ này trong đó đang có dịch, ai đi chợ mua hoa nữa. Từ sáng nay (27 Tết) các mối lấy hoa vào TP.HCM đã ngưng lấy rồi. Khách mua đưa ra Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế bán cũng không thấy…”. Cả đoạn đường dài sau đó, ánh đèn vàng yếu ớt tại các điểm bán hoa dường như càng cô quạnh hơn khi lác đác vài chiếc ô tô chạy qua, đi thẳng, không có ý định dừng lại.
Ban đầu, chúng tôi dự tính nghỉ đêm tại thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) – nơi giáp ranh với tỉnh Bình Định. Thế nhưng, khung cảnh buồn hiu hắt dọc tuyến quốc lộ này khiến chúng tôi thay đổi ý định, chạy thẳng ra Quy Nhơn (Bình Định) lúc rạng sáng 28 Tết mới nghỉ lại trước khi tiếp tục hành trình ra Huế.
Sáng 28 Tết, tại “thủ phủ” hoa mai miền Trung ở Bình Định, tình hình cũng chẳng “sáng sủa” hơn. Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Lê Duẩn, Trường Chinh… (Quy Nhơn, Bình Định), mai, cúc… nở bung vàng rực rỡ khoe sắc, nhưng chẳng có bóng khách dừng hỏi. Một chủ vườn mai bên đường Lê Duẩn cho biết: Hoa năm nay đẹp, giá chỉ bằng 1/3 năm ngoái nhưng hàng tồn “vô biên”. Năm nay, biết dịch khó khăn, không ai dám ôm hàng, nên hoa từ 28 Tết đã giảm giá mạnh.
Tương tự, hoa cúc lớn tại Huế vào 23 - 25 Tết giá từ 300.000 đồng/cặp đến 29 và 30 Tết rớt nửa giá vẫn không người mua. Tối giao thừa, thường vườn hoa xuân trước Thương Bạc (TP.Huế) ngập hoa và đông nghẹt khách, năm nay do dịch, Huế không tổ chức cho bán hoa tại khu vực này, rải rác trong thành phố có vài điểm bán hoa xuân nhưng lượng người mua rất thưa thớt. Theo người dân sống tại đường Lịch Đợi, mọi năm, dọc tuyến đường này trước mỗi nhà đều có chưng 2 chậu hoa cúc lớn 2 bên cổng, năm nay, đi hết đường không thấy bóng một bông cúc vàng nào. Quan sát cho thấy, rất nhiều tuyến đường tại TP. Huế, Tết năm nay, người dân không mua hoa chưng trước cổng nữa.
Khan hiếm thịt heo tại chợ quê
Cập nhật đến hết ngày mồng 1 Tết, giá heo hơi trên cả 3 miền vẫn ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg. So với thời điểm trước Tết nửa tháng, giá heo hơi trong tuần giáp Tết đã giảm 5 - 7 giá tại một số nơi và đi ngang trong 2 ngày 30 và mùng 1 Tết Tân Sửu. Thế nhưng, giá thịt heo lại không hề giảm. Liên tục trong 3 ngày 27 - 29 Tết, lượng heo đổ về hai chợ đầu mối TP.HCM cao gấp đôi ngày thường, trên dưới 12.000 con mỗi ngày. Ngày 29 Tết (10.2), lượng heo về hai chợ đầu mối lên đến 13.500 con. Giá heo mảnh theo phản ánh của tiểu thương phổ biến từ 105.000 đồng/kg, có sạp tăng giá đột biến lên 125.000 – 130.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nửa năm qua. “Thật ra giá heo mảnh quá cao, khiến giá heo hơi bán lẻ tại chợ trong 2 ngày 29 và 30 Tết tăng mạnh 5 - 10 giá”, bà Bình – bán thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết.
Hoa trang trí làm đẹp có thể không mua, nhưng thịt heo, giò chả cho ngày Tết nhất định phải có
Tương tự, tại thành phố Đà Nẵng và Huế, giá chả bò, chả lụa cũng tăng 10.000 – 20.000 đồng/kg trong những ngày giáp Tết. Chả bò Đà Nẵng ngày thường giá 300.000 đồng/kg, tuần trước Tết, người bán tăng giá 320.000 đồng/kg. Lý do giá thịt tăng. Ở Huế, chả lụa đòn giá 200.000 đồng/kg tăng 220.000 đồng/kg, chả bò lên 320.000 – 330.000 đồng/kg. Giá tăng, lượng hàng chả bò, chả lụa bán Tết tại hai thị trường này cũng tăng theo.
Cơ sở làm chả T.L (TP.Huế) cho biết lượng hàng làm mỗi ngày trong tuần cuối năm Âm lịch tăng gấp đôi ngày thường. Cơ sở nhỏ này mỗi ngày làm trung bình 60 – 70 kg, nay lên 130 – 150 kg mỗi ngày. Bà Hà, chủ một cơ sở làm chả lâu năm tại Huế, cho biết sức tiêu thụ nem chả cho 3 ngày Tết tại các tỉnh miền Trung luôn tăng gấp đôi ngày thường, thậm chí gấp 2,5 lần, lượng tiêu thụ tăng rất sớm và kéo dài cả nửa tháng trước Tết. “Giá thịt tăng, bắt buộc giá chả các loại phải tăng, nhưng không phải vì thế mà lượng người mua giảm. Thịt heo ba chỉ, mông cũng vậy. Đến trưa 30 Tết, tại các chợ dân sinh, không còn một lạng thịt để mua nữa”, bà Hà nói.
Dù giá tăng, lượng thịt, chả sản xuất bán Tết vẫn tăng gấp đôi so với ngày thường
Tại một số vùng quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, mọi năm, các nhà nông thường có thói quen “ăn đụng”, mỗi nhóm 3 - 5 gia đình trong làng mua một con heo nhà nuôi giết mổ, chia nhau ăn Tết. Thịt heo quê chia kiểu này vừa ngon vừa rẻ. Thế nhưng, ngày 30 Tết, tại làng Hà Cảng - nơi nổi tiếng được chọn bối cảnh cho phim Mắt Biếc, anh Nguyễn Danh, người dân ở làng, cho hay, sau chục năm, đây là năm đầu tiên làng anh không có heo để mổ chia. “Mấy bà nội trợ làm mâm cỗ Tết phải đi mua thịt heo tại chợ từ sáng sớm, đi 8 giờ là hết thịt. Còn heo mổ chia thì không có vì không ai còn heo để bán. Năm nay, ai nuôi heo để đến Tết là trúng lớn, giá tăng hơn 10.000 đồng/kg heo hơi”, anh Danh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận