Tesco và Uniqlo 'ăn nên làm ra' trong đại dịch COVID-19
Tesco - nhà bán lẻ lớn nhất của Anh và Fast Retailing - công ty chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán quần áo của Nhật Bản Uniqlo vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020, bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh khác.
Tesco thông báo doanh số bán hàng dịp Giáng sinh vừa qua của hãng đã đạt mức kỷ lục nhờ nhu cầu mua sắm hàng hóa trực tuyến bùng nổ trong giai đoạn các biện pháp phong tỏa được áp đặt để ứng phó với dịch bệnh.
Trong 19 tuần tính tới ngày 9/1, tổng doanh số bán hàng của Tesco tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, lên 19,9 tỷ bảng Anh (27,2 tỷ USD).
Trong đó, dịch vụ bán hàng trực tuyến tăng hơn 80%, đạt gần 1 tỷ bảng Anh khi các khách hàng lựa chọn phương thức mua hàng giao tại nhà hoặc đến cửa hàng lấy hàng đã đặt qua mạng.
Báo cáo cho biết Tesco đã chi tổng cộng 810 triệu bảng Anh cho các khoản mục liên quan đến dịch COVID-19 trong năm 2020 như cho nhân viên nghỉ phép, thuê nhân viên tạm thời, đầu tư trực tuyến và thực hiện các biện pháp an toàn và bảo đảm y tế mới.
Trong khi đó, Fast Retailing thông báo lợi nhuận trước thuế theo quý của hãng đã vượt mức trước khi dịch bệnh bùng phát nhờ kết quả kết quả kinh doanh tích cực tại thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của hãng bán lẻ này trong 3 tháng tính đến hết tháng 11/2020 đạt 113,1 tỷ yen (1,09 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Fast Retailing vẫn được xem là một trong những nhà bán lẻ mạnh trong đại dịch COVID-19, mặc dù công ty này ngay từ đầu dịch đã chịu ảnh hưởng rất lớn do hoạt động sản xuất và kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Chỉ riêng tại Trung Quốc đại lục, Fast Retailing vận hành 800 cửa hàng Uniqlo, tương đương số lượng cửa hàng Uniqlo tại Nhật Bản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận