Tencent và Alibaba - hai ông lớn công nghệ bắt tay, ai là người chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất?
Khi hai ông lớn thương mại điện tử và mạng xã hội bắt tay nhau, những công ty nhỏ hơn giữa hai chiến tuyến bắt đầu lo ngại cho vận mệnh của mình.
Tin tức Alibaba và Tencent cân nhắc mở cửa các hệ sinh thái với nhau đang gây bão trong giới công nghệ. Alibaba có thể giới thiệu WeChat Pay (công cụ thanh toán của Tencent) cho Taobao và Tmall; và Tencent có thể cho phép chia sẻ thông tin thương mại điện tử của Alibaba trên WeChat hoặc cho phép người dùng WeChat sử dụng một số dịch vụ của Alibaba thông qua các chương trình nhỏ (mini program).
Ngay khi tin đồn được đưa ra, dù còn lâu mới đến ngày chính thức thành hiện thực nhưng rất nhiều người dùng đã vỗ tay khen ngợi, sau cùng thì "bức tường Berlin" sừng sững giữa hai gã khổng lồ khiến người dùng đất nước tỉ dân điêu đứng trong một khoảng thời gian dài sắp được giải quyết.
Nhưng nhìn từ góc độ sâu hơn, ngày nay, Tencent và Alibba không còn là hai công ty nữa, mà là hai phe đối địch. Trong tám năm qua, hai chiến tuyến đã chia cắt gần một nửa mạng Internet của Trung Quốc, nên dù có bắt tay và làm hòa thì họ cũng không tránh khỏi những vướng mắc đằng sau.
Đối với những công ty nhỏ hơn trong chiến trường này, ngoài sự xấu hổ, họ còn lo lắng hơn về việc "miếng cơm manh áo" của mình.
"Bức tường Berlin" sắp biến mất?
Ngay khi thông tin Alibaba và Tencent mở cửa hệ sinh thái cho nhau được đưa ra, cư dân mạng đã hoan nghênh nhiệt liệt, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc trao đổi thông tin qua lại giữa hai bên sẽ giúp tăng cường sự tiện lợi khi sử dụng cho người dùng.
Nếu hai bên có thể tương tác về mặt sinh thái, biểu hiện trực quan nhất có thể là các liên kết sản phẩm của Taobao có thể được chia sẻ trực tiếp trên Wechat. Sự bất tiện khi chia sẻ thông tin giữa các nền tảng của hai ông lớn Internet lớn nhất Trung Quốc kéo dài gần 9 năm.
Ngoài ra, Taobao và Tmall cũng được cho là sẽ tung ra các chương trình nhỏ của WeChat. Mini program (chương trình nhỏ) Tencent phát triển cho Wechat để tạo ra các ứng dụng bên ngoài các cửa hàng ứng dụng. Ví dụ, khi bạn cần gọi xe taxi, thay vì phải cài đặt ứng dụng Didi Chuxing, bạn có thể gọi chương trình nhỏ của họ trên WeChat chỉ trong tích tắc.
Lượng truy cập và giao dịch mà chương trình nhỏ mang lại cho thương mại điện tử không hề nhỏ. Vào tháng 9 năm ngoái, tại Hội nghị Hệ sinh thái Kỹ thuật số Toàn cầu Tencent, Tencent đã tiết lộ dữ liệu mới nhất về chương trình nhỏ của WeChat, năm 2019, lượng giao dịch của các chương trình nhỏ đã vượt quá 800 tỉ.
Mặt khác, sự gia nhập của WeChat sẽ kích hoạt đáng kể các vòng kết nối xã hội của Alipay, Taobao và Tmall. Một số cư dân mạng bày tỏ sự mong đợi rằng ứng dụng bảo vệ môi trường Ant Forest có thể nhập vào WeChat QQ và lan tỏa niềm vui trồng cây cho mọi người.
Tuy nhiên, việc mở cửa hệ sinh thái của hai bên cũng sẽ gây thêm một số lo lắng cho người dùng. Ví dụ: trước đó, sự xuất hiện quy mô lớn của Pinduoduo trong các nhóm WeChat với những đường link như "Bạn có ở đó không, nhấp vào link của Pinduoduo một chút nhé!" sẽ làm giảm trải nghiệm người dùng. Dưới sự tích hợp của hệ sinh thái mới, những thách thức về quản lý sẽ trở nên lớn hơn.
Ai lo sợ trước cái bắt tay của hai gã khổng lồ?
Dù mang lại sự thuận tiện trong cuộc sống cho người dùng, nhưng một khi Tencent và Alibaba mở rộng hệ sinh thái của họ, tác động lớn hơn sẽ là một cơn địa chấn cho toàn bộ ngành Internet Trung Quốc.
Vấn đề rất đơn giản, bởi vì Alibaba ngày nay không chỉ là Alibaba, và Tencent không chỉ là Tencent, mà đã trở thành bộ phận Alibaba và bộ phận Tencent. Sau thành công của "phong trào xây dựng hệ thống", Alibaba và Tencent đã trở thành hai ngọn núi không thể vượt qua của Internet Trung Quốc.
Một bức ảnh bữa tối tại Hội nghị Internet toàn cầu tổ chức tại thị trấn Wuzhen gần như bao hàm sức mạnh cốt lõi của Tencent. Ông Wang Xing (CEO Meituan) và ông Lưu Cường Đông (CEO JD.com) là những ủng hộ Tencent chống lại Alibaba. Ông Wang Xing không chỉ công khai tấn công Alibaba nhiều lần, mà còn đồng ý với việc Meituan đóng cổng thanh toán Alipay.
Việc ông chủ JD.com không hỗ trợ thanh toán Alipay đã có từ rất lâu trước khi Tencent trở thành cổ đông của JD.com, xét cho cùng thì cả hai là đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tencent cũng là cổ đông của Pinduoduo và rõ ràng, Pinduoduo là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Alibaba. Nhưng Pinduoduo không trực tiếp từ chối Alipay như Meituan và JD.com.
Tuy nhiên, Pinduoduo rõ ràng cũng thiên vị Tencent hơn. Vào cuối năm 2020, Pinduoduo đã ra mắt công cụ thanh toán của riêng mình Duoduo Wallet, tương tự như WeChat Pay và Alipay. Chưa đầy một năm, thứ hạng của các công cụ thanh toán lớn nhất Trung Quốc đã có sự thay đổi: WeChat Pay, Duoduo Wallet và Alipay.
Công ty giao đồ ăn Ele.me (thuộc Alibab) không hoàn toàn từ chối phương thức thanh toán WeChat giống như Meituan đã từ chối Alipay. Tuy nhiên, trong phần lựa chọn phương thức thanh toán cho Ele.me, WeChat Pay xếp vị trí cuối cùng. Siêu thị bán lẻ kiểu mới Hema của Alibaba chỉ có phương thức thanh toán duy nhất là Alipay.
Khi hai gã khổng lồ chiến đấu với nhau, các công ty cấp thấp hơn chọn theo phe phái khác nhau và sau cùng đứng thành hai chiến tuyến, nhưng thực tế, họ cũng đang tìm kiếm "mảnh đất" cho sự tồn tại và phát triển của mình.
Nhưng nếu hai gã khổng lồ bắt tay và làm hòa, đối với những người chia bè cánh theo phe, ngoài sự xấu hổ, họ còn lo lắng cho tương lai của mình.
Ngay cả con ruột của hai gã khổng lồ, chẳng hạn như Alipay, chắc hẳn cũng không muốn chứng kiến cảnh bắt tay nhau vì sau cùng, WeChat vốn có thế mạnh 1 tỉ người dùng mỗi tháng, sau khi kết nối với Taobao, nó chắc chắn sẽ ăn đứt Alipay.
Nhưng đối với Tencent và Alibaba, hai gã khổng lồ này không có mâu thuẫn đặc biệt lớn trong lĩnh vực kinh doanh chính của họ, đặc biệt là sau khi Tencent nhận ra rằng mình không giỏi trong lĩnh vực thương mại điện tử, và Alibaba hiểu rằng mình không giỏi mạng xã hội, Bắt tay và làm hòa giống như làm cho chiếc bánh lớn hơn đối với họ.
Sau khi tin đồn xuất hiện, giá cổ phiếu của Tencent và Alibaba đều tăng. Nhưng với JD.com và Pinduoduo, giá cổ phiếu của họ đã giảm lần lượt 2,4% và 6%.
Công ty bị ảnh hưởng tiêu cực nhất có lẽ là Bytedance. Hoạt động kinh doanh nội dung và mạng xã hội dựa trên Toutiao đặt ra thách thức trực tiếp cho Tencent; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Tik Tok cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ, trở thành đối thủ nặng ký của Alibaba.
Sau tám năm đối đầu, ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc hiện đã khác so với trước đây. Alibaba và Tencent chiếm gần một nửa Internet của Trung Quốc. Ngay cả khi hai gã khổng lồ sẵn sàng bắt tay và làm hòa, phía sau họ vẫn tồn tại cục diện hỗn loạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận