Tây Ninh: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2024
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ngay từ đầu năm.
Năm 2024 được xác định là năm “nước rút” thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Kinh tế năm 2023 tăng trưởng cao
Đánh giá về kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, mặc dù trong năm qua còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt kết quả toàn diện, có mặt nổi bật.
Cụ thể, có 13 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt nghị quyết đề ra; kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng 6,12%- cao hơn mức bình quân chung của cả nước (GRDP cả nước tăng 5%), xếp thứ 2 vùng Đông Nam bộ.
Giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp - công nghiệp - thương mại, dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng, tăng cả về doanh thu và số lượng du khách (tăng 36,5% so cùng kỳ, lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng; khách du lịch đạt trên 5,1 triệu lượt người, tăng 13,2% so cùng kỳ).
Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen 2 năm liên tiếp nằm trong top 5 điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đông nhất và mới được vinh danh là “Khu du lịch có thiết kế cảnh quan đẹp nhất Việt Nam”.
Xuất khẩu vẫn duy trì ở mức khá- đạt 5,7 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%- đạt 751 triệu USD, nằm trong top 15 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài cao. Giải ngân vốn đầu tư nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Tại Hội nghị họp mặt kết thúc năm tài chính 2023, ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Tài chính cho biết, có 9/16 khoản thu đạt từ 100% trở lên so với dự toán và 7/16 khoản thu không đạt dự toán.
Chi ngân sách địa phương được bảo đảm từ nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương cơ bản bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên theo nhiệm vụ dự toán được giao, phục vụ tốt hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh.
Năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 547 hộ nghèo, chiếm 0,17% tổng số hộ dân (giảm 490 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 0,15% so với năm 2022); 1.620 hộ cận nghèo, chiếm 0,5% tổng số hộ (giảm 842 hộ, tỷ lệ giảm 0,27% so với năm 2022). Như vậy, 5 năm liên tục Tây Ninh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, còn 6 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội chưa đạt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) và tỷ lệ tăng thu ngân sách thấp. Kim ngạch xuất - nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trong nước giảm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Một số vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, y tế chuyển biến còn chậm.
Phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7% trở lên
Năm 2024 là năm “nước rút” thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và có ý nghĩa quan trọng mang tính quyết định đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được HĐND tỉnh khoá X thông qua tại kỳ họp thứ 10 thống nhất 21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội và môi trường để triển khai thực hiện.
Theo đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7% trở lên; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.250 USD; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 11.100 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,03%-0,046% (tương đương 100 hộ đến 150 hộ). Đồng thời đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để UBND tỉnh và các ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ngay từ đầu năm với quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao nhất. Cụ thể hoá, nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là tổ chức công bố quy hoạch và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Song song đó, hoàn thành Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đến năm 2045 và điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên) đến năm 2045.
Tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 50% trở lên theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị, bảo đảm phát triển đúng quy hoạch, đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Để tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển, UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận về vốn, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, phát triển thương mại dịch vụ… để khôi phục và đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tỉnh sẽ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử. Tập trung phục hồi và phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Triển khai giai đoạn 3 Khu công nghiệp Phước Đông. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Cụm công nghiệp Tân Phú và Cụm công nghiệp Tân Hội 2.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao; hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI ), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận