menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc sau cao điểm dịch bệnh

Bộ Công Thương cho rằng thị trường Trung Quốc đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh nên cần tập trung khai thác tối đa.

Trong báo cáo gửi Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 10/4, Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, toàn ngành Công Thương xác định vừa thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, vừa tính tới các giải pháp lâu dài hơn.

Theo đó, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay là tiếp tục phòng chống có hiệu quả dịch COVID-19. Làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.

Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến khoảng 97% trên tổng số doanh nghiệp, trong nhóm này lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến khoảng xấp xỉ 93 - 94%. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Bộ Công Thương cho rằng, các giải pháp về tiếp cận vốn, tín dụng; giảm chi phí cho doanh nghiệp (các loại phí, lệ phí, thuế)… tại Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/3/2020 đã xác định trúng các trọng tâm lớn này để giao các bộ ngành triển khai. Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh việc tính toán mức độ, đối tượng và ban hành các văn bản hướng dẫn để sớm ra quyết định thực thi các chính sách này hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bộ cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc bởi thị trường này đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.

Bộ Công Thương đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, làm việc sớm với phía Trung Quốc để tập trung đẩy nhanh việc sớm cho phép một số nông sản của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang nước này. Bởi đây là tiền đề hết sức quan trọng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.

Đối với thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, công việc trước mắt vẫn là tập trung hoàn tất các công việc để sớm thông qua Hiệp định EVFTA và chuẩn bị tốt các công việc để triển khai thực thi có hiệu quả hiệp định này ngay sau khi có hiệu lực.

Đối với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền nước này thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng của Mỹ để có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp.

Về thúc đẩy sản xuất công nghiệp, bộ cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng đề xuất đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu.

Đồng thời, tập trung phát triển thương mại nội địa qua các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Bộ cho biết đã chỉ đạo xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới sẽ xem xét để triển khai nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.

Về phát triển thị trường nội địa, bảo đảm cung ứng hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát và có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ giảm 50% mức thu phí và lệ phí cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rượu, thuốc lá, khí, xăng dầu, giao dịch hàng hóa và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đến hết ngày 30/12/2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả