Tập đoàn tỷ đô Geleximco có gì?
Nằm trong nhóm những người giàu nhất Việt Nam nhờ sở hữu hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, trải dài từ tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghiệp cho tới xuất nhập khẩu, nhưng ông Vũ Văn Tiền nổi tiếng là một trong người giản dị và kín tiếng, không siêu xe, không hàng hiệu, không những thú vui hào nhoáng.
Geleximco - đế chế kinh doanh gắn liền với tên tuổi của vị doanh nhân này cũng là một ẩn số không kém trong mắt giới đầu tư.
Cuối năm 2018, tập đoàn này tự giới thiệu đã trở thành “một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh bậc nhất Việt Nam”, với vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng, cùng tổng tài sản hợp nhất 52.000 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019, quy mô của Geleximco cũng tăng đáng kể sau hai đợt tăng vốn, chỉ riêng tổng tài sản của công ty mẹ Geleximco đã vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng.
Thế mạnh trong mảng tài chính
Cách định vị thương hiệu trong từng mảng kinh doanh của Geleximco cũng tương đối khác biệt. Trong mảng tài chính ngân hàng và bất động sản, dấu ấn của tập đoàn này gắn liền với những công ty mang thương hiệu An Bình. Trong đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là cái tên nổi bật nhất.
Hơn 27 năm phát triển, ABBank đến cuối quý II đã tăng vốn lên hơn 5.700 tỷ đồng với tổng tài sản gần 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi EVN – một trong hai cổ đông chiến lược ban đầu của ABBank – thoái vốn triệt để, vai trò của nhóm Geleximco càng được thể hiện rõ ràng. Ông Vũ Văn Tiền, người đứng đầu Geleximco, hiện là Phó chủ tịch ABBank. Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch nhà băng này, là em rể ông Tiền. Còn ông Vũ Văn Hậu – em trai ông Tiền – giữ vị trí Phó tổng giám đốc.
Cho đến cuối quý II, nhóm cổ đông Geleximco sở hữu hơn 16,6% vốn và là cổ đông lớn nhất tại ABBank. Trong đó, riêng Geleximco trực tiếp sở hữu gần 13%.
Những đơn vị thành viên khác cùng mang dấu ấn “An Bình” còn có Công ty chứng khoán An Bình (ABS), CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình (ABFG) hay Quản lý Quỹ An Bình. Thông qua các đơn vị thành viên, Geleximco đều là cổ đông chi phối hoặc từng là cổ đông chi phối của những doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, khác với thực tế tưởng tượng của nhiều nhà đầu tư, dòng vốn hỗ trợ Geleximco thực tế lại không xuất phát nhiều từ ABBank. Những ngân hàng được xem là “thân thiết” với Geleximco trong các hợp đồng tín dụng thường là SHB, MaritimeBank, VietinBank hay cái tên mới trong danh sách này là RH International của Singapore.
Thay vào đó, sự hỗ trợ từ ABBank thể hiện vai trò rõ ràng hơn với mảng bất động sản, hoạt động gắn liền với tên tuổi của Geleximco. Cũng cần khẳng định rằng, hoạt động này là điều hoàn toàn bình thường, khi ngân hàng và đối tác đảm bảo các quy tắc về cấp tín dụng, mức độ an toàn vốn và đảm bảo giới hạn tín dụng.
Cho tới mảng bất động sản
Trong mảng bất động sản, ngoài An Bình Plaza khiến nhà đầu tư liên tưởng tới hệ sinh thái mảng tài chính, những dự án còn lại đều gắn với tên tuổi của chính Geleximco. Trong đó, nhiều dự án với quy mô hàng nghìn tỷ đồng có thể kể đến như Geleximco Lê Trọng Tấn, Gelexia Reverside hay khu đô thị Cái Dăm Geleximco.
Những công ty thành viên thực hiện các dự án này như Công ty HTL – chủ đầu tư dự án Gelexia hay Công ty cổ phần H2H Hà Nội – chủ đầu tư An Bình Plaza – đều có những hợp đồng tín dụng với ABBank.
Như HTL, cuối năm 2019, công ty này đã thế chấp hợp đồng hợp tác đầu tư tại khu đảo Balboa thuộc dự án khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng cho ABBank. H2H Hà Nội cũng thế chấp cổ phiếu nhiều công ty khác cho khoản vay tại ngân hàng này.
Ngoài ra, Geleximco gần đây cũng chuyển hướng về các tỉnh, xu hướng đầu tư thường thấy của những doanh nghiệp bất động sản lớn. Tập đoàn này đang phát triển các dự án khu đô thị sinh thái tại Hòa Bình, Quảng Ninh, Lào Cai...
Geleximco cũng đang rục rịch triển khai dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng có quy mô 480 ha và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco), công ty con của Geleximco là chủ đầu tư dự án gần đây vừa huy động được 670 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh nghiệp này cũng huy động được 300 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu (kỳ hạn 7 năm). Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Vạn Hương Investoco đã huy động được gần 1.000 tỷ đồng.
Mới đây Geleximco cũng đưa vào vận hành sân golf Geleximco Hilltop Valley Golf Club, một trong những sân có địa hình đẹp nhất Việt Nam.
Đến mũi nhọn giấy và xi măng
Mặc dù tài chính và bất động sản là những lĩnh vực mang lại tên tuổi cho Geleximco, nhưng công nghiệp cũng là một mảnh ghép không nhỏ trong cấu trúc hệ sinh thái của tập đoàn này.
Trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công ty nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn này có thể kể đến như Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Giấy Cao cấp An Hòa, Nhà máy sản xuất Bột giấy An Hòa, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long...
Giấy An Hòa được thành lập từ năm 2002, là chủ đầu tư của nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, được xây dựng trên quy mô 223ha tại tỉnh Quyên Quang. Năm ngoái, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông mới không được công bố, nhưng trước đó Geleximco nắm giữ gần 70% cổ phần.
Hoạt động của Giấy An Hòa bắt đầu khởi sắc trong những năm gần đây sau nhiều năm liền thua lỗ. Ba năm gần nhất, tổng lợi nhuận của Giấy An Hòa đạt hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ bù lỗ lũy kế cho giai đoạn trước.
Ngoài các nhà máy sản xuất, Geleximco còn là một trong những cổ đông sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD, đồng thời đang là cổ đông lớn của CMC Corporation với tỷ lệ sở hữu 10%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận