Tập đoàn T&T của bầu Hiển lâm thế khó tại Bệnh viện Giao thông vận tải?
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) không còn quyền phủ quyết cũng như giảm tiếng nói trong các quyết định điều hành tại Bệnh viện GTVT. Đồng thời, việc tìm nhà đầu tư khác thay thế T&T ở Bệnh viện GTVT dự báo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) giữ vị trí Chủ tịch được biết tới với vai trò là nhà đầu tư chiến lược khi Công ty CP Bệnh viện Giao thông vận tải (Bệnh viện GTVT) tiến hành cổ phần hóa với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 30% vốn điều lệ.
Thời gian sau đó, tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã tham gia phiên IPO để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,43%.
Song mới đây, theo báo cáo của Công ty CP Bệnh viện Giao thông vận tải (Bệnh viện GTVT) về sự thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Công ty CP Cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T).
Theo đó, Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) giữ vị trí Chủ tịch đã giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu từ 51,43% xuống mức 22,071% dù số lượng cổ phiếu nắm giữ không thay đổi. Còn tỷ lệ sở hữu của Bộ Giao thông Vận tải (đại diện sở hữu Nhà nước) tăng từ 32,73% lên mức 71,13%.
Với tỷ lệ này, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển sẽ không còn quyền phủ quyết cũng như giảm tiếng nói trong các quyết định điều hành tại Bệnh viện GTVT.
Một góc Bệnh viện GTVT.
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Bệnh viện GTVT là do công ty đã điều chỉnh tăng vốn chủ sở hữu thêm 223,45 tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng thêm là kết quả của quá trình xác định lại giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà bệnh viện.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện được chính thức nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng theo Văn bản số 6126/BGTVT-CQLXD ngày 15/5/2015. Giá trị tạm tính phần khối lượng xây dựng cơ bản dở dang để xác định giá trị doanh nghiệp tại ngày 30/6/2014 là 55,046 tỷ đồng trên cơ sở hồ sơ xác định doanh nghiệp do Công ty kiểm toán AASC lập và Quyết định số 4966/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2004 của Bộ GTVT phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Năm 2017, sau khi Bệnh viện GTVT chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần, Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện được quyết toán chính thức với giá trị là 293,919 tỷ đồng (chưa giảm trừ phần tạm tính khối lượng xây dựng cơ bản dở dang).
Đến ngày 15/2/2017, biên bản kiểm tra quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, chi phí cổ phần hóa, chi phí lao động dôi dư, xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển đổi sở hữu của Bệnh viên GTVT đã khẳng định giá trị phần vốn nhà nước tăng thêm là 223,459 tỷ đồng, đồng thời sẽ điều chỉnh thay đổi vốn điều lệ của công ty.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) từng xin thoái toàn bộ vốn tại Bệnh viện GTVT.
Trước đó, trong năm 2018, T&T từng xin thoái toàn bộ vốn tại Bệnh viện GTVT thông qua kiến nghị Nhà nước mua lại toàn bộ 5.040.000 cổ phần bán cho cổ đông chiến lược với giá đã mua là 11.000 đồng/cổ phần, tương đương 55,44 tỷ đồng, theo hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.
T&T cũng muốn Nhà nước mua lại toàn bộ 3.600.000 cổ phần chào bán lần đầu của Bệnh viện GTVT tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà nhà đầu tư này trúng đấu giá với giá 26.000 đồng/cổ phần. Tổng giá trị của 2 lô cổ phần nói trên mà T&T muốn Nhà nước mua lại khoảng 149 tỷ đồng.
Dù hiện tại, việc thoái vốn của T&T vẫn chưa có câu trả lời. Song khi tỷ lệ sở hữu của T&T tại Bệnh viện GTVT giảm xuống, doanh nghiệp của ông Đỗ Quang Hiển không còn quyền phủ quyết cũng như giảm tiếng nói trong các quyết định điều hành, sẽ khó có thể tìm nhà đầu tư khác thay thế T&T ở Bệnh viện GTVT.
Điệp khúc thua lỗ của Bệnh viện GTVT
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của Bệnh viện GTVT là câu chuyện lỗ liên tục từ 2016 đến nay. Sau 6 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện GTVT tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 15,8 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên mức 106,9 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2019, Bệnh viện GTVT đã ghi nhận khoản lỗ 12,5 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng lỗ lũy kế của bệnh viện lên hơn 103 tỷ đồng.
Còn trong năm 2018, Bệnh viện GTVT lỗ 33,08 tỷ đồng, tăng 1,62 tỷ đồng so với năm 2017. Trước đó, cũng do làm ăn thua lỗ, nên vốn chủ sở hữu của Bệnh viện GTVT tính đến cuối quý IV/2017 chỉ còn 122,9 tỷ đồng, giảm hơn 46 tỷ đồng so với thời điểm đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2016.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận