24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tập đoàn cao su muốn áp dụng cơ chế doanh nghiệp xã hội

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) muốn được áp dụng cơ chế doanh nghiệp xã hội đối với các Công ty cổ phần Cao su Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… nhằm giảm áp lực trong đánh giá việc sử dụng vốn nhà nước, có điều kiện để hỗ trợ tốt hơn cho địa phương và người lao động.

Đây là một trong những kiến nghị mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đưa ra trong buổi làm việc với ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương trong ngày 13-6.

VRG là một trong những tập đoàn của Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su và một số lĩnh vực có liên quan khi quản lý hơn 400.000 ha cao su kéo dài từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Đông Nam bộ và ở Campuchia và Lào.

Trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng, khu vực miền núi phía Bắc có thời tiết khí hậu không thuận lợi với cây cao su nên việc trồng cao su ở những địa phương này sẽ không đạt kết quả cao và thực tế đã cho thấy điều đó.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT VRG, nếu chỉ tính về kinh tế thì ít có doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư ở vùng Tây Bắc. Bởi doanh nghiệp đầu tư trồng cao su ở khu vực này còn phải gánh luôn trách nhiệm xã hội, nên chỉ đánh giá hiệu quả kinh tế thì chưa đầy đủ và chính xác.

Bổ sung thêm, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc VRG cho biết, các doanh nghiệp ngành cao su có đặc thù là hoạt động ở vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do vậy, khi triển khai dự án kinh tế, các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều vốn để làm đường giao thông, kéo điện, xây nhà ở cho công nhân, trường học, trạm y tế v.v… “Tất cả chi phí này đều phải hạch toán vào sản xuất kinh doanh nên suất đầu tư sẽ cao, hiệu quả kinh tế sẽ thấp”, ông Bảo nói.

Chính vì vậy, lãnh đạo VRG kiến nghị được áp dụng cơ chế doanh nghiệp xã hội đối với các công ty cao su tại vùng Tây Bắc như Công ty cổ phần Cao su Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… nhằm giảm áp lực sử dụng vốn nhà nước, có điều kiện hỗ trợ tốt hơn địa phương và người lao động. Đây là khu vực có tỷ suất đầu tư cao hơn các khu vực khác như Đông Nam bộ, Tây Nguyên.

Theo ông Cao Đức Phát, hiện vẫn chưa có cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp về việc tách bạch giữa việc làm kinh tế và gánh vác các trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp nếu phải gánh nhiều trách nhiệm xã hội thì khó có thể đảm bảo hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Vì thế, nên tách bạch trách nhiệm xã hội với mục tiêu chính của doanh nghiệp là hiệu quả kinh tế.

"Cái gì thuộc về trách nhiệm của Nhà nước thì không bắt doanh nghiệp phải làm thay", ông Phát cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả