Tập đoàn 500 tỉ USD Mỹ muốn làm việc trực tiếp với DN Việt
Tập đoàn 500 tỉ USD Mỹ muốn làm việc trực tiếp với DN Việt
Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail chia sẻ đã mang nhiều sản phẩm của Việt Nam sang phân phối tại Thái Lan như nước mắm Cát Hải, nước mắm Phú Quốc, hạt điều Tây Nguyên, phở Vifon, cà phê...
Ngày 17-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”.
Nước mắm, hạt điều cà phê Việt rất ngon
Tại hội nghị này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ chia sẻ câu chuyện về một số doanh nghiệp Việt Nam sang các hệ thống siêu thị nước ngoài để khảo sát.
Tại đây họ mua hàng loạt sản phẩm của siêu thị đó về rồi tách từng cấu phần ra để phân tích vật liệu, giá thành xem với mức giá như vậy họ có làm được sản phẩm tương tự để cạnh tranh hay không.
"Câu chuyện trên cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đến nay đã có sự tiến bộ rõ rệt. Họ tìm được nhiều cách tiếp cận mới để phát triển ra thị trường thế giới" - ông Linh nhận xét.
Cùng với những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn tại hội nghị cũng có những nhận xét rất tích cực về hàng hóa của Việt Nam. Ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail chia sẻ, trong 5 năm qua đã mang nhiều sản phẩm của Việt Nam sang phân phối tại Thái Lan như nước mắm Cát Hải, nước mắm Phú Quốc, hạt điều Tây Nguyên, phở Vifon, cà phê...
"Những sản phẩm này đều rất ngon, được làm với công thức rất đặc biệt, như hạt điều rang ở Tây Nguyên. Chúng tôi đã mang nhiều sản phẩm đậm chất văn hóa của Việt Nam sang Thái Lan" - ông Paul Le chia sẻ.
Ông Pau Le cũng nhận xét người Việt Nam rất thông minh, nhiều sản phẩm rất ngon và có thể phát triển mạnh mẽ trên thị trường thế giới.
Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cũng cho biết thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng quả vải và quả thanh long của Việt Nam. Qủa vải ở Nhật được dùng như món ăn tráng miệng cao cấp.
Hoặc đối với sản phẩm may mặc của Việt Nam, Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam đánh giá ngành dệt may của Việt Nam rất có năng lực, vì trong tổng số các sản phẩm nhập từ Việt Nam thì sản phẩm dệt may chiếm đến 96%.
Muốn tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam
Tập đoàn Walmart là chuỗi bán lẻ lớn nhất của Mỹ, hiện có mặt tại 27 quốc gia, tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm 2018 đạt trên 500 tỷ USD với số lượng khách hàng phục vụ bình quân 270 triệu khách/tuần.
Năm 2019, Walmart đã nhập khẩu hơn 1 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam. Có mặt tại hội nghị, đại diện Walmart cho biết trong giai đoạn tiếp theo tập đoàn muốn đi sâu hơn vào tỷ trọng của từng mặt hàng đã nhập từ Việt Nam.
"Hiện sản phẩm mà Walmart mua của Việt Nam chủ yếu là hàng may mặc nhưng từ năm 2020 chúng tôi muốn đẩy mạnh đầu tư vào các mặt hàng khác và mong muốn được làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì hiện giờ có đến 90% các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Walmart là đến từ các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện cũng chưa có doanh nghiệp dệt may nào của Việt Nam ký hợp đồng trực tiếp với Walmart mà đều thông qua các công ty FDI" - đại diện Walmart tiết lộ.
Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cũng góp ý kiến Việt Nam là đất nước có nhiều loại trái cây ngon, chỉ có điều là vận chuyển còn khó khăn và chi phí vận chuyển của Việt Nam còn cao hơn các nước lân cận, như với Thái Lan thì chi phí vận chuyển bằng container lạnh của Việt Nam cao hơn khoảng 1USD/kg.
"Nếu như có thể quản lý được, xử lý được những chi phí này thì tôi tin sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản và khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn cao hơn nữa" - ông Shiotani Yuichiro nói.
Đại diện Tập đoàn Lotte cũng cho biết năm 2020, có 1.600 tấn chuối của Việt Nam đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Lotte ở Hàn Quốc. Ngoài ra còn có các sản phẩm tươi sống, thủy sản, hoa quả khác của Việt Nam cũng đang được tiêu thụ tại thị trường này.
"Phản hồi của người tiêu dùng Hàn Quốc cho thấy họ rất thích các sản phẩm của Việt Nam. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch về lượng hàng, chủng loại sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trong hệ thống siêu thị của chúng tôi cho năm 2021" - đại diện Lotte cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực trên thì Lotte cũng chia sẻ mối lo ngại về khả năng cung cấp các mặt hàng phi thực phẩm từ Việt Nam, đơn cử như hàng gia dụng vì thực tế hợp tác cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp mặt hàng này không duy trì đều đặn, có dấu hiệu đứt gãy.
Mỗi năm xuất khẩu 2 tỷ USD qua hệ thống phân phối nước ngoài Theo báo cáo của Bộ Công Thương, qua 5 năm thực hiện đề án, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài khoảng 2 tỷ USD. Đơn cử như hệ thống siêu thị Big C, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 40 triệu USD thì năm 2019 đã đạt 205 triệu USD. Năm 2016, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống siêu thị Aeon đạt 200 triệu USD, đến 2019 đạt 380 triệu USD. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ hiện đã có hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam đã đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn trên thế giới. Có nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam đang ở tốp đầu thế giới, có thể cạnh tranh với sản phẩm các nước như nông sản, thực phẩm, dệt may, đồ gia dụng, đồ nội thất. Thứ trưởng Hải cho rằng, giai đoạn tới, từ năm 2021-2025 cần tăng số lượng doanh nghiệp có sản phẩm trong hệ thống phân phối nước ngoài. Quan trọng nhất, mục tiêu không phải chỉ có kim ngạch xuất khẩu tăng lên mà phải quảng bá được những thương hiệu của Việt Nam. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận