24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tạo đột phá, huy động tư nhân đầu tư vào y tế

Để khắc phục những bất cập tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã được thực thi từ năm 2011, dự kiến Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ đưa ra một khung khổ pháp lý mới trong việc quản lý hành nghề, quản lý điều kiện cung ứng dịch vụ và quản lý hoạt động chuyên môn kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Trình bày về những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật, ông Nguyễn Hữu Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho biết, sự thay đổi đáng chú ý nhất chính là quy định về chứng chỉ hành nghề.

Theo đó Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho 6 nhóm đối tượng. Quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, cử nhân sinh học tham gia xét nghiệm, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Về thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề, Luật hiện hành không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề. Theo ông Quang, việc này không tạo ra cơ chế giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề.

Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế, gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh. “Đến nay, có lẽ chỉ còn Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn”, ông Quang lưu ý.

Đánh giá về dự thảo luật, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, dự thảo có nhiều điểm tiến bộ, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện để các NĐT tư nhân tham gia vào lĩnh vực y tế. Tuy nhiên ông nhấn mạnh, cơ chế chính sách phải có bước đột phá, đổi mới hơn nữa thì mới huy động được nguồn lực từ người dân, DN đầu tư vào lĩnh vực này. Còn nếu luật ra đời làm nảy sinh ra nhiều rào cản, điều kiện, sẽ hạn chế đầu tư của DN.

Ông cũng khuyến nghị cần xây dựng luật theo hướng kiện toàn ngay từ đầu để sau này trong quá trình thực thi không làm phát sinh thêm các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.

Đối chiếu với các yêu cầu đó, ông Đệ góp ý, quy định về kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia, là những vấn đề cần quan tâm và cân nhắc vì tính tác động tới toàn hệ thống.

Đối với quy định về kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề, nếu thực hiện theo phương án 1 là thi tập trung về Bộ Y tế, cần xem xét tính khả thi bởi sẽ gây khó khăn cho các bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Còn nếu thực hiện theo phương án 2 là cơ sở đào tạo, cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế chỉ định thực hiện công tác đánh giá năng lực hành nghề, thì sẽ gây ra sự chồng chéo. Vì vậy ông Đệ cho rằng dự thảo luật cần phải có cái nhìn tổng thể để lựa chọn phương án thích hợp, tránh các trường hợp chồng chéo, tiêu cực, đặc biệt là trường hợp sau khi luật ban hành thì người người đi thi, nhà nhà đi thi.

Ông Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng cho rằng cần xem xét lại việc thi tuyển quốc gia khi cấp chứng chỉ hành nghề vì đối tượng cần cấp chứng chỉ rất rộng, bao gồm bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… con số lên đến hàng triệu người. Mặt khác toàn bộ các đối tượng này đều đã qua đào tạo, có bằng, chứng nhận, chứng chỉ hợp pháp, hợp lệ. Trong số đó có những đối tượng trình độ chuyên môn cao như bác sĩ chuyên khoa II, giáo sư, tiến sĩ… Do đó với nhiều đối tượng, việc tổ chức thi vừa không khả thi lại rất dễ xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Tương tự như vậy, liên quan đến việc cấp, điều chỉnh, cấp lại chứng chỉ hành nghề, lãnh đạo nhiều bệnh viện tư nhân đề nghị làm rõ nội dung một số đối tượng khi đã có bằng cấp chuyên môn nhất định, chẳng hạn bằng thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II cùng chuyên ngành thì không cần giấy xác nhận quá trình thực hành phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn, do khi học những bằng cấp này đã có thời gian thực hành đủ theo quy định. Việc không làm rõ những nội dung này sẽ tiếp tục là điểm gây khó khăn cho các nhân viên y tế khi đi xin thêm xác nhận thời gian thực hành mà thực ra là không cần thiết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả