Tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ
Ngày 17 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi hiểu thuế là của ngân sách, nhưng đây là thuế từ những trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh… thực tế chưa phải là tiền thật, chưa vào ngân sách để mà mất ngân sách. Tại Nghị quyết này chúng tôi đề nghị rà soát xử lý với các đối tượng này theo hướng gốc thì khoanh lại theo dõi tiếp, chỉ có tiền phạt, tiền lãi chậm nộp thì xin xoá. Đây cũng là giải pháp rất thận trọng”.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình trạng nợ đọng thuế đã xảy ra nhiều năm, tuy nhiên trong các năm gần đây thu hồi nợ đọng thuế luôn đạt mức năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân 14%/năm.
“Hàng năm, đặc biệt là khi ngân sách khó khăn, đây là một trong những trọng điểm mà Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo đột phá để đảm bảo dự toán, đảm bảo thu ngân sách. Đây là việc được giao đến từng nhân viên, từng cán bộ thuế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Tài chính, với nhưng người nộp thuế đã chết, mất tích, giải thể, phá sản… thì việc thực hiện giải pháp về sau để thu hồi rất khó khăn, do vậy cần phải có Nghị quyết này.
Bên cạnh đó, mặc dù số nợ thuế các năm gần đây giảm rất sâu, nhưng do chúng ta có quy định tiền phạt chậm nộp thuế là 0,03%/số nợ thuế/ngày nên số nợ thuế hàng năm liên tục tăng.
Theo Tư lệnh ngành Tài chính, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống mức 7,6% năm 2017 và tính đến cuối năm 2018 chỉ còn 6,7%. Tuy nhiên, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ.
Về nguyên nhân của việc nợ đọng thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong số nợ đọng nêu trên, có 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỷ đồng; có 24.113 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền thuế nợ là 2.072 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 869 tỷ đồng; có 216 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ là 398 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 158 tỷ đồng...
Thẩm tra về các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, ông Hải đề nghị Ban soạn thảo rà soát việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với đối tượng.
“Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề”, ông Hải nói.
Vì theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bao gồm: (i) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; (ii) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp 2014; (iii) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; (iv) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật Doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; (v) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
Như vậy, về cơ bản đây là các trường hợp vi phạm pháp luật, không phải xuất phát từ các nguyên nhân khách quan; chỉ có trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế có thể được xác định là tương đồng với trường hợp người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận