Tăng vốn thần tốc 312 lần, mạng lưới kinh doanh lớn nhanh như Thánh gióng, VSETGroup kinh doanh ra sao?
Huy động trái phiếu lãi suất cao gấp 3 lãi suất ngân hàng, vi phạm quy định về chứng khoán, đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho nhà đầu tư chuyên nghiệp về năng lực tài chính thực sự của VSETGroup...
Tập đoàn VSETGroup vừa bị Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng vì chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn VSETGroup đã thực hiện chào bán trái phiếu của Công ty ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2006, khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.
Sau đợt kiểm tra của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tại các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng 10 vừa qua theo chỉ đạo của Bộ tài chính, VSETGroup là doanh nghiệp bị xướng tên đầu tiên với mức phạt nặng 600 triệu đồng.
7 NĂM TĂNG VỐN THẦN TỐC 312 LẦN, MẠNG LƯỚI KINH DOANH LỚN NHANH NHƯ "THÁNH GIÓNG"
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn VSETGroup thành lập từ năm 2014, trụ sở chính tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quân Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, tiền thân là Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông VsetCom, vốn điều lệ 1,6 tỷ đồng.
Từ năm 2014 đến năm 2015 vốn điều lệ VSETGroup tăng lên 5 tỷ đồng. Tiếp đó, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty VSETGroup thay đổi lần thứ 14 ngày 7/10/2019 thể hiện công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Đầu năm 2021, thông qua việc phát hành thêm 35 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ của Công ty VSETGroup tăng lên 500 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 năm thành lập, vốn điều lệ của VSET Group đã tăng thần tốc gấp 312 lần.
Cơ cấu cổ đông hiện gồm: ông Trương Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT nắm giữ 70% cổ phần, sinh năm 1988 tại Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Văn Châu nắm giữ 10% cổ phần và bà Nguyễn Ngọc Mỹ Linh - Tổng giám đốc, nắm giữ 20% vốn cổ phần.
Cùng với màn tăng vốn thần tốc, VSETGroup liên tiếp lấn sân sang các mảng kinh doanh mới với mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước. Thời kỳ đầu, VSET Group hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng đường công trình giao thông, kinh doanh hệ thống salon tóc, spa, nail. Năm 2020, VSETGroup thành lập Công ty tài chính VSetCredit, Công ty Cổ phần Thời trang VSMan, khai trương Công ty Cổ phần Ô tô Vset Thống Phát, đánh dấu thêm 1 lĩnh vực hoạt động mới của tập đoàn; Văn phòng Đại diện tại Hà Nội của tập đoàn cũng chính thức đi vào hoạt động, khẳng định hoạt động “lấn sân” tại thị trường phía Bắc.
Sang năm 2021, VSETGroup mở rộng sang kinh doanh vàng bạc đá quý với thương hiệu VSJ, hệ thống bệnh viện Vmec. So với kế hoạch 2021 đưa ra trước đây, VsetGroup còn dự kiến lấn sân sang mảng khách sạn. Theo thông tin đại diện tập đoàn, khách sạn sắp tới sẽ có cơ sở tại quận Gò Vấp, được thiết kế, xây dựng khang trang, thuộc đẳng cấp 4 sao với nhiều dịch vụ tiện ích dành cho khách hàng.
Công ty này còn sở hữu HTX Vận tải Gia Khang chuyên "tậu siêu xe" như Maybach để phục vụ các doanh nhân. Theo kế hoạch đầu năm đề ra, Tập đoàn VsetGroup sẽ đầu tư 100 tỷ đồng để bổ sung 100 xe mới cho HTX Vận tải Gia Khang, một mặt đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, mặt khác hướng HTX Gia Khang trở thành công ty dịch vụ vận tải được đầu tư và quy mô lớn nhất Tp.HCM.
THAM VỌNG LỚN NHƯNG LIÊN TỤC VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG KHOÁN
Điều đáng nói, dù tham vọng rất lớn, trở thành tập đoàn đa ngành nghề, chuyên nghiệp, thậm chí dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, song VSETGroup lại liên tục vi phạm quy định về chứng khoán. Minh chứng điển hình nhất là lô trái phiếu bị Uỷ ban Chứng khoán tuýt còi, phạt 600 triệu đồng vì không nộp hồ sơ đăng ký theo quy định.
Trước đó, đầu năm 2021, VSETGroup từng công bố trên website của mình về đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 vào quý 1 năm 2021 với loại hình trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không có đảm bảo bằng tài sản, không kèm chứng quyền; trái phiếu được phát hành riêng lẻ không thông qua đại lý phát hành... Tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành 327,5 tỷ đồng, kỳ hạn từ 12 đến 60 tháng với lãi suất cố định trong toàn bộ kỳ hạn từ 13,5%-17,5%/năm, đây được xem là mức lãi suất cao kỷ lục trên thị trường.
Trên trang mạng xã hội của mình, VSETGroup còn giới thiệu: “Trái phiếu TẬP ĐOÀN VSETGROUP là một địa chỉ dừng chân lý tưởng cho dòng tiền nhàn rỗi của bạn”, cũng như những lời có cánh kèm bài toán tính lợi nhuận như “Bạn có muốn mình kiếm tiền một cách nhàn nhã hơn. 500 triệu đồng đầu tư trái phiếu, bạn sẽ có hơn 7,29 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng. Sau 1 năm bạn sẽ có 91,5 triệu đồng”…
Lô trái phiếu này còn từng bị báo chí phản ánh vi phạm pháp luật khi VSETGroup liên tục công bố thông tin quảng cáo, mời chào mua trái phiếu với lãi suất cao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, với việc công bố rộng rãi đã phát hành trái phiếu đến các đối tượng mua trái phiếu là cá nhân đầu tư vào trái phiếu của công ty Vsetgroup không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Về phía VSETGroup, trong cùng ngày 1/12 khi nhận thông tin xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán, doanh nghiệp này cũng phát đi thông báo về việc tạm ngừng phát hành trái phiếu. "Lý do là để rà soát, đánh giá lại việc phát hành cho phù hợp hơn để việc phát hành trái phiếu thời gian tới đạt hiệu quả cao. Chúng tôi chính thức tạm ngừng phát hành kể từ ngày 1/12 cho đến khi có thông báo mới", VSET Group thông báo, tuyệt nhiên không đề cập đến việc phát hành sai phạm và bị Uỷ ban chứng khoán Nhà nước xử phạt 600 triệu đồng. Trên trang web của mình, VSETGroup cũng chính thức gỡ bỏ thông tin về việc lô phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Năm 2020, VSETGroup ghi nhận doanh thu gần 410 tỷ đồng, tăng trưởng 85,58%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 45 tỷ đồng, tăng 143,4% so với năm trước. VsetGroup đặt mục tiêu tổng doanh thu sẽ đạt ngưỡng 4.000 – 5.000 tỷ đồng sau 2025.
Mặc dù công bố kết quả kinh doanh khá tốt, tiềm năng tăng trưởng vững mạnh, song việc VSETGroup không tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng với mức lãi suất rẻ hơn trung bình 5-6% mà lại chọn phương án phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi gấp ba; vi phạm quy định về chứng khoán, đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho nhà đầu tư chuyên nghiệp về năng lực tài chính thực sự của VSETGroup.
Theo văn bản xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán, VSETGrpup buộc còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm.
Theo Vụ Tài chính ngân hàng, qua công tác quản lý giám sát cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số vấn đề như: phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường; một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra trong tháng 10 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu.
Về cơ chế chính sách, trên cơ sở công tác quản lý giám sát và kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu.
Bộ Tài chính đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát; đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp quản lý thị trường bất động sản, phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng; tổ chức làm việc với Bộ Công an về khung khổ pháp lý và tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin.
Đặc biệt về tổ chức thị trường thứ cấp, nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Thông tư và chuẩn bị thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời nâng cấp chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và hệ thống niêm yết, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận