Tăng vốn điều lệ, nhóm ngân hàng tư nhân "vượt mặt" Big 4?
Việc một loạt các ngân hàng tư nhân được NHNN đồng ý tăng vốn đã khiến nhóm này “vượt mặt” nhóm Big 4 về quy mô vốn...
Vốn điều lệ MBB vượt nhóm NHTM Nhà nước
Ngày 13/7 tới đây, MB-Ngân hàng TMCP Quân đội đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%. Trước đó, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho MB thực hiện kế hoạch này để tăng vốn điều lệ. Như vậy, vốn điều lệ của MB sẽ tăng thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của MB sẽ chính thức vượt lên trước ngân Vietcombank, Agribank. Ngoài ra, MB cũng sẽ vượt Techcombank, hiện ngân hàng có vốn điều lệ hơn 35.000 tỷ.
Từ đầu năm đến nay, đã có thêm nhiều ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Ngân hàng ACB tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận với tỷ lệ 25%, hay Ngân hàng Bắc Á, dự kiến tăng lên từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng.
Trước đó , SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng theo phương án đã được duyệt tại đại hội cổ đông năm ngoái.
Về nhóm Big 4, việc tăng vốn chưa có tiến triển. Duy nhất ngày 8/7 tới đây, VietinBank cũng đang tiến hành những bước cuối cùng để tăng vốn điều lệ. Theo đó, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ chia là hơn 29%. Như vậy vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ hơn 37.200 tỷ lên hơn 48.000 tỷ đồng.
Thực hiện xong kế hoạch này, VietinBank sẽ vượt BIDV hiện có vốn điều lệ 40.220 tỷ để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Trong khi đó, vốn điều lệ của Vietcombank hiện 37.089 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên, ngân hàng đã có phương án tăng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Vietcombank chưa thông báo về việc triển khai kế hoạch tăng vốn.
Với Agribank, cuối năm 2020, vốn điều lệ của ngân hàng ở mức 30.915 tỷ đồng. Đầu năm 2021, ngân hàng được cấp thêm 3.500 tỷ đồng từ ngân sách lên hơn 34.000 tỷ đồng. Với việc 100% thuộc sở hữu của Nhà nước, Agribank hiện nay chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách.
Tăng vốn - Bộ đệm để ngân hàng được nới room tín dụng
Quy mô vốn không chỉ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vốn, giới hạn cấp tín dụng, mà còn là bộ đệm quan trọng đảm bảo sức khỏe cho hệ thống ngân hàng. Tăng vốn cũng là tiêu chí hàng đầu để đảm bảo các ngân hàng đáp ứng quy định theo chuẩn Basel II, sẽ là điều kiện tạo sức bật cho các ngân hàng hậu đại dịch COVID-19.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu -Chuyên gia tài chính ngân hàng, trong bối cảnh dịch bệnh, ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu lớn dễ dàng trụ vững, ngược lại ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mỏng có nguy cơ bị mất thanh khoản. Bởi vậy, trong khó khăn, ngân hàng càng phải tăng vốn để gia cố "gối đệm" và tăng vốn bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu là cách dễ nhất.
Bên cạnh đó, tăng vốn để đảm bảo các ngân hàng sớm hoàn thành các trụ cột của Basel II và hướng tới Basel III. Theo các chuyên gia, việc hoàn thành cả các chuẩn của Basel của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị quan trọng để giúp hệ thống ngân hàng phát triển an toàn. Đồng thời, thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, tăng vốn điều lệ không chỉ là giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, dự phòng rủi ro tín dụng mà còn liên quan tới quota cấp tín dụng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng; củng cố bệ phóng cho các ngân hàng trong cuộc đua mở rộng mạng lưới, thị phần và quy mô kinh doanh khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận