menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Học

Tăng tuổi nghỉ hưu: Nhiều người rất “hãi”

Nhiều người lao động nghe thấy tăng tuổi nghỉ hưu thì rất "hãi" vì sợ không đủ sức làm việc đến 60 tuổi, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngô Duy Hiểu phản ánh.

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Thuý Anh cho biết quá trình hoàn thiện dự thảo vẫn còn có hai quan điểm khác nhau về tuổi nghỉ hưu.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số... và không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 7.

Thêm phương án "linh hoạt"

Nhấn mạnh đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban về các vấn đề Xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án quy định tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 điều 169.

Phương án 1: quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình.

Theo phương án này thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.

Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Phương án 2 như Chính phủ trình: tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho rằng, cả hai phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của nghị quyết số 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới.

Phương án 1 bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng. Tuy nhiên, phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định.

Còn phương án 2 đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành. Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là, trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền... ở doanh nghiệp).

Đa số trong Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành phương án 1, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết.

Đã rất thận trọng

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì quy định như đề xuất của Chính phủ là đã rất thận trọng, tăng từ từ không có gì xáo động và không tác động lớn đến quỹ bảo hiểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh quy định tuổi nghỉ hưu thì Trung ương đã bàn rất kỹ rồi. Nhưng hồ sơ dự án bộ luật thì chưa được rõ nên đọc vẫn hơi khó hiểu, không biết tại sao lại nam tăng lên 62 và nữ lên 60.

Ông Định đề nghị phải có giải thích rõ hơn tại hồ sơ và tuyên truyền cũng cần tốt hơn và cũng phải tính đến việc xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu song Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng phân biệt đối tượng áp dụng, với cán bộ công chức thì tất cả đều tăng, viên chức thì một bộ phận lớn còn người lao động thì chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ.

Nhiều người lao động nghe thấy tăng tuổi nghỉ hưu thì rất "hãi" vì sợ không đủ sức làm việc đến 60, ông Hiểu phản ánh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đổi phương án 2 thành phương án 1 khi trình Quốc hội tới đây, vì quy định tại phương án này rõ ràng, minh bạch về lộ trình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại