menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Long

Tăng trưởng xanh: Vốn ngân hàng xây dựng tương lai bền vững

Tính đến cuối quý I 2019, dư nợ cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững tại hệ thống TCTD tại Việt Nam đã đạt khoảng hơn 242.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2018...

Đánh giá tác động rủi ro

NHNN phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội khi xem xét cấp tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh trong 5 ngành kinh tế gồm: sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhuộm vải, chế biến thuỷ sản, pin và ắc quy.

Đơn cử như đối với sản xuất nhiệt điện, đánh giá tác động đối với những dự án lĩnh vực này cần bao gồm việc thảo luận về các nguồn nhiên liệu thay thế. Trong trường hợp có nhiều lựa chọn thay thế cho than, cần phải ưu tiên công nghệ giảm thiểu phát thải càng nhiều càng tốt. Một số vấn đề quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm và có thể dẫn đến các rủi ro về uy tín hoặc tín dụng đối với các khoản vay hoặc đầu tư, bao gồm: biến đổi khí hậu - tác động dài hạn và loại bỏ phát thải khí nhà kính, ô nhiễm từ đốt than, khí thải…; không tuân thủ các giấy phép và quy định về môi trường; rủi ro về sức khoẻ do ô nhiễm phát sinh từ các hoạt động sản xuất điện (đốt than); và nguy cơ sức khoẻ tiềm ẩn do điện trường và từ trường trong hoạt động truyền tải và phân phối điện.

Hay với ngành sản xuất giấy và bột giấy, theo ban soạn thảo so với nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác, ngành này có mức độ ô nhiễm cao và dễ gây tác động đến con người và môi trường xung quanh do ô nhiễm từ nguồn nước thải xử lý không đạt yêu cầu. Đánh giá tác động môi trường của những dự án này cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động xử lý nước thải, đặc biệt việc xử lý phải đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường.

Đối với bên cấp tín dụng, rủi ro có thể xảy ra với uy tín hoặc tín dụng đối với các khoản vay hoặc đầu tư, bao gồm không tuân thủ các giấy phép và quy định về môi trường; ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất bao gồm cả nguyên nhân từ các sự kiện ngẫu nhiên. Hoặc rủi ro về sức khoẻ do ô nhiễm phát sinh từ các hoạt động sản xuất; quyền con người và an toàn lao động của người lao động/cộng đồng bị ảnh hưởng - điều kiện làm việc và tiêu chuẩn lao động nghèo nàn. Đây cũng là những rủi ro cần được cân nhắc đối với các khoản vay đối với ngành nhuộm vải, chế biến thủy sản, pin và ắc quy.

Đây là bước đi tiếp theo trong tiến trình “xanh hoá” dòng vốn tín dụng, vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trước đó vào tháng 9/2018, NHNN cũng đã phối hợp với IFC nghiên cứu và ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 10 ngành sản xuất kinh doanh cơ bản, ngay sau khi NHNN ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam ngày 15/8/2018.

Có thể thấy rõ, tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế tạo ra hoặc có tiềm năng tạo ra cả cơ hội và tác động tích cực, rủi ro và tác động tiêu cực. Để việc phân bổ vốn và cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng liên tục tăng cường các tác động tích cực đồng thời giảm tác động tiêu cực đến con người và môi trường, một chuyên gia cho rằng cần phải tích hợp đánh giá các rủi ro và tác động liên quan đến tính bền vững dựa trên cả ba khía cạnh bền vững (môi trường, xã hội và kinh tế) vào việc ra quyết định kinh doanh ở cấp chiến lược, danh mục đầu tư và giao dịch.

Cân bằng lợi ích

Hơn bao giờ hết, nhu cầu thúc đẩy tính bền vững trong lĩnh vực tài chính toàn cầu ngày nay là vô cùng lớn. Ông Tengku Zafrul Aziz - Tổng Giám đốc Tập đoàn CIMB chia sẻ, việc tạo ra giá trị đòi hỏi phải có sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích lâu dài của con người, hành tinh và lợi nhuận của ngân hàng.

“Với vị thế là một ngành đóng vai trò như một công cụ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, các ngân hàng có thể là một lực lượng mạnh mẽ để thay đổi, tạo ra một tác động tích cực lớn không chỉ về kinh tế, mà cả về mặt xã hội và môi trường”, ông nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh việc “tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon. Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng”.

Cụ thể hơn, đối với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, một trong những giải pháp tại Chiến lược đề ra là “triển khai hoạt động ngân hàng xanh thông qua việc gia tăng nhận thức và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội của ngành Ngân hàng trong kinh doanh; tăng cường năng lực các tổ chức tín dụng để phát triển sản phẩm huy động và cho vay vốn tín dụng vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng”.

Tính đến cuối quý I/2019, dư nợ cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững tại hệ thống TCTD tại Việt Nam đã đạt khoảng hơn 242.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2018.

Các ngân hàng đang ngày càng chú trọng hơn với việc phân bổ vốn cho các dự án phát triển bền vững. Như gần đây, HDBank đã dành ưu đãi vốn vay tới tỷ lệ 70%, thời hạn cho vay 5 năm dành cho các DN đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà. Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng.

Theo Quyết định của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện sản xuất từ các dự án điện mặt trời để hoà lưới điện có ngày vận hành trước 30/6/2019 trong vòng 20 năm với giá mua ưu đãi. Hết tháng 4/2019, có hơn 1.300 khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Ngày 9/5/2019, người dân đầu tư điện mặt trời tại TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên được trả tiền điện sau một thời gian phát điện lên lưới.

Trước đó vào tháng 3/2019, BIDV cùng Đại sứ quán Pháp, Tập đoàn Quadran International (Pháp), Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Bình Định với hạn mức tín dụng lên tới 37 triệu USD. Đây là dự án được gấp rút xây dựng để đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019.

Trao đổi với phóng viên, các chuyên gia cho rằng, để thúc vốn cho tăng trưởng xanh cần đồng bộ hoá chính sách của các bộ, ngành vì thị trường này có sự tham gia của nhiều DN thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho tư nhân và vốn nước ngoài tham gia thị trường để cải thiện tư duy và tính minh bạch trong phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Tập đoàn KCB Joshua N.Oigara nhận định, để thành công với mục tiêu phát triển bền vững, các ngân hàng cần đưa chính sách của mình vào hành động thông qua chiến lược tạo ra giá trị lâu dài bằng hoạt động ngân hàng bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại