24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tăng trưởng vững vàng, lạm phát sẽ ở mức thấp

Theo báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 công bố ngày 25 9, ADB dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và lạm phát thấp.

Cụ thể, năm 2019 dự báo tăng trưởng đạt mức 6,8% và lạm phát chỉ 3% (trước đây ADB dự báo là 3,5%). Năm 2020 dự báo tăng trưởng đạt mức 6,7% và lạm phát vào khoảng 3,5% (dự báo trước đây là 3,8%).

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2019, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nói rằng: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn FDI được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp”.

Thực tế, tiêu dùng cá nhân tăng trưởng tốt ở mức 7,2% trong 6 tháng đầu năm, tương đương tốc độ năm trước. Do đó nhìn từ phía cầu, việc tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng trưởng tốt cho thấy triển vọng tích cực. Tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục tăng nhờ lạm phát thấp, nhiều công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao... Bên cạnh đó, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.

Chưa kể nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, nhiều DN sản xuất có thể cân nhắc Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI. Đồng thời, EVFTA mới được ký kết cũng như CPTPP đã có hiệu lực hứa hẹn sẽ tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường cho thương mại và đầu tư… Do đó, ADB kỳ vọng các dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới, với minh chứng là 13,1 tỷ USD đã được cam kết trong 8 tháng đầu năm 2019.

Dù dự báo lạm phát vừa đưa ra thấp hơn với dự báo trước đây, nhưng ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng, áp lực lạm phát trong ngắn hạn có thể đến từ việc điều chỉnh tăng một số giá cả do Nhà nước quản lý, nhu cầu trong nước mạnh, tiền lương tối thiểu tăng, và giá lương thực có thể tăng do bệnh dịch tả lợn châu Phi và hạn hán nghiêm trọng. Tuy nhiên, áp lực này có thể được kiềm chế bởi tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng giảm. ADB cho rằng, Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT thận trọng trong phần còn lại của năm 2019 và giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức mục tiêu 14%.

Về tài khoá, các chuyên gia của ADB đánh giá mặc dù có áp lực cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi đầu tư công song Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực thu ngân sách và kiểm soát chặt hơn đối với các khoản chi tiêu không cần thiết để kiềm chế bội chi và cải thiện tính bền vững của nợ công.

Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai được dự báo sẽ thu hẹp nhiều hơn cho cả năm nay và năm sau. Nguyên nhân bởi doanh thu từ xuất khẩu sẽ tăng chậm hơn so với dự báo trước đây, trong khi tốc độ giảm của nhập khẩu cũng chậm hơn so với dự kiến trước đây do cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư vẫn ở mức cao, đặc biệt với khả năng một số DN sản xuất có thể di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Kiều hối cũng có thể bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu, thêm phần khiến thặng dư tài khoản vãng lai giảm sút. Dự báo thặng dư tài khoản vãng lai được điều chỉnh giảm xuống tương đương 2% GDP trong năm nay, và 1,8% GDP trong năm 2020.

Báo cáo cập nhật ADO cũng cảnh báo, rủi ro đối với những dự báo trên là đáng kể. Rủi ro lớn nhất từ bên ngoài sẽ là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. “Nếu như xung đột thương mại – chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan – biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền thì nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam”, báo cáo cảnh báo.

NHNN quan tâm tới cả mục tiêu tăng trưởng và lạm phát

ADO nhận định, CSTT và tín dụng tiếp tục xu hướng thận trọng trong nửa đầu năm nay, với tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng đều giảm mạnh so với cùng kỳ, tỷ giá ổn định... Sáu tháng đầu năm 2019 cũng cho thấy những tiến triển trong cải cách hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu giảm, ngày càng có nhiều ngân hàng đáp ứng được yêu cầu Basel II…

Nhận định về quyết định giảm lãi suất vừa qua của NHNN, ông Eric Sidgwick cho rằng, quyết định giảm lãi suất vừa qua đưa ra tín hiệu cho thị trường nhiều hơn là tác động thực tế tới nền kinh tế. Nó cho thấy NHNN đang thận trọng và quan tâm tới cả mục tiêu tăng trưởng, cả kiểm soát lạm phát. Khi tăng trưởng cao và lạm phát thấp như hiện nay thì chúng ta thấy “cặp bài trùng” này không xung đột.

Nhưng nếu ở chiều ngược lại, khi tăng trưởng giảm mà lạm phát gia tăng sẽ tạo ra xung đột khó giải quyết hơn cho NHTW.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả