Tăng trưởng tín dụng tại TP HCM đạt 9,3% nửa đầu năm
Tăng trưởng tín dụng là yếu tố quan trọng giúp GRDP 6 tháng đầu năm của TP HCM tăng khoảng 3,82%, từ mức xuất phát tăng trưởng âm vào cuối năm 2021.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021.
Ông Lệnh nhìn nhận, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 4,83%, phản ánh đúng xu hướng phục hồi và khả năng phục hồi cũng như những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ dịch bệnh.
Ngoài ra, ông Lệnh thông tin thêm, về hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chương trình phục hồi kinh tế thành phố, ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp.
Đến nay, dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp theo cơ chế Thông tư 01, 03 và Thông tư 14 đạt: 563.000 tỷ đồng đối với gần 1,3 triệu khách hàng; cho vay ngắn hạn tiền đồng với lãi suất thấp đối với 5 nhóm ngành: doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 202.000 tỷ đồng cho hơn 35.000 khách hàng.
"Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp và hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và doanh nghiệp", ông Lệnh nói.
Cũng theo ông Lệnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiếp cận tốt nhất vốn tín dụng ngân hàng; đồng thời, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình hành động cụ thể và thiết thực như: kết nối ngân hàng doanh nghiệp; cho vay bình ổn thị trường; cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn….
Trong đó, chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân cho vay gần 100.000 tỷ đồng, tiếp tục tạo thuận lợi về vốn và về lãi suất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các hợp tác xã.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM cũng phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức các chương trình kết nối chuyên đề để thông tin cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách; về lĩnh vực du lịch dịch vụ; lĩnh vực xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất.
Trong đó, tổ chức thực hiện Thông tư 03 về hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 11 và Nghị định 31 của Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện nhiều khó khăn thách thức.
Riêng về các yếu tố lãi suất, tỷ giá, ông Lệnh cho rằng tình hình vẫn diễn biến phù hợp với thị trường và theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Điều này đã góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng đại dịch.
Chính sự ổn định của lãi suất, của tỷ giá và thị trường ngoại hối trong bối cảnh giá cả thị trường thế giới, giá cả hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào và xăng dầu tăng cao, đã góp phần quan trọng trong việc kìm giữ lạm phát.
Nhờ vậy, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực tăng giá, giảm bớt khó khăn, bảo toàn được giá trị tài sản để phục hồi và tăng trưởng, tiếp tục là cơ sở và nền tảng quan trọng để doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn kép hiện nay và trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận