Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức nào?
Dù cơ quan điều hành chính sách tiền tệ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng nhưng cầu tín dụng hiện vẫn yếu. Dự báo, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ thấp hơn đáng kể so với mức tăng của năm ngoái.
Đến 28/4/2020, tăng trưởng tín dụng đạt 1,32% so với cuối năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,32% của cùng kỳ năm ngoái. Cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế vượt khó khăn Covid-19, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN sẽ đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch, điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho nền kinh tế.
Đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm.
Đánh giá cao cách thức điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới là cần thiết, song cần thực hiện một cách có chọn lọc, thận trọng và linh hoạt theo diễn biến hoạt động của từng tổ chức tín dụng.
Về khả năng tăng trưởng tín dụng trong năm nay, theo ông Cấn Văn Lực, xu hướng tăng trưởng thấp hơn năm ngoái là chắc chắn bởi chịu áp lực từ khó khăn chung của nền kinh tế, nhu cầu tín dụng hiện rất thấp dù mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể từ 1 - 2%.
“Sau một thời gian cách ly xã hội nghiêm túc làm ngưng trệ, giờ đây nhiều hoạt động kinh tế đang dần trở lại và có khả năng phục hồi tốt trong thời gian tới. Từ đó, nhu cầu tín dụng sẽ tăng. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức cầu tín dụng không thể bằng năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ chỉ ở mức 9 - 10% so với cuối năm 2019”, ông Cấn Văn Lực dự báo.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thấp hơn mức tăng của năm ngoái. Theo công ty này, tăng trưởng tín dụng đạt mức rất thấp trong quý I. Nhưng nhờ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ như cắt giảm lãi suất, cho phép hoãn thời hạn nộp thuế, yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã giúp tăng trưởng tín dụng có chút khởi sắc.
VNDirect kỳ vọng dịch Covid-19 được kiểm soát sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý III - quý IV/2020. Đáng chú ý, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm cho cả doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến những nhu cầu tín dụng mới, phần nào hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.
Trên cơ sở đó, VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 11%. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 5%, tỷ lệ tín dụng/GDP dự báo sẽ tăng từ 1,1 lần trong năm 2019 lên tới 1,16 lần trong năm 2020.
Trong khi đó, phân tích về việc nới hạn mức và xu hướng tăng trưởng tín dụng trong năm nay, Báo cáo nghiên cứu triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 4 của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, NHNN sẽ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2 - 3 điểm phần trăm trong quý III - thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được dự báo sẽ khá yếu và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và năng lực khởi động lại của nền kinh tế sau khi dịch kết thúc.
KBSV cũng cho rằng, NHNN sẽ duy trì mức tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10 - 14% nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản. Mức tăng trưởng này là phù hợp và là mục tiêu NHNN duy trì trong 2 năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng, khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vẫn ở mức cao trong khu vực (khoảng 1,1 lần).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận