Tăng trưởng tín dụng năm 2022: Hơn 1,35 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra
2 kịch bản tăng cung tiền và tín dụng được các chuyên gia dự báo phụ thuộc vào tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ và tình trạng lạm phát năm 2022. Trong cả 2 kịch bản, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 13%
Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô năm 2022 vừa phát hành, các nhà phân tích tại Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, với tình trạng lạm phát Việt Nam vẫn ở mức bình ổn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm nhiều động lực để duy trì chính sách.
Thêm vào đó, thông tin Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến có 3 lần tăng lãi suất từ 0% - 0,25% lên mức 0,75% - 1% vào năm 2022 sẽ gia tăng áp lực về lãi suất với Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, nền tảng vĩ mô được hồi phục và độ bao phủ vaccine ngày càng rộng để người dân quay trở lại hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới nhu cầu tín dụng được cải thiện.
Hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) cho năm 2022.
Từ đó, BSC chia ra hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) cho năm 2022.
Tại kịch bản thứ nhất, các chuyên gia BSC cho rằng, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng hiện tại của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tượng này sẽ khiến cho M2 và tín dụng có mức tăng trưởng ngang với giai đoạn 2020-2021. Theo đó, M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 12% và 13%.
Kịch bản 2, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chậm, lạm phát nằm ở mức thấp và từ đó, tạo ít áp lực nâng lãi suất đối với Ngân hàng Nhà nước. Bối cảnh tiền tệ ổn định có thể tạo điều kiện ổn định cho Ngân hàng Nhà nước nâng mức lãi suất và tín dụng trên mức trung bình của giai đoạn 2020 và 2021. Với kịch bản này, M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 14% và 13%.
Cũng theo tính toán của các chuyên gia BSC, đến 24/12/2021, tín dụng tăng trưởng khoảng 13% so với cuối năm 2020. Tổng phương tiện thanh toán có số dư là 12.879.090 tỷ đồng, tức tăng 8,93% so với cuối năm 2020.
Thanh khoản hệ thống liên ngân tăng mạnh trong năm 2021 trong bối cảnh lãi suất qua đêm vẫn năm ở mức thấp so với giai đoạn 2013-2019.
Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 10/2021/TT-NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm còn 0%/ năm, góp phần thúc đẩy tín dụng tăng cao hơn kỳ vọng giữa năm. Đồng thời, việc hoạt động sản xuất dần phục hồi cũng làm tăng nhu cầu tín dụng giai đoạn nửa cuối năm 2021.
Trog khi đó, mức chênh lệch giữa phương tiện thanh toán và tín dụng đã thu hẹp, cho thấy quá trình sử dụng vốn đã cải thiện rõ rệt bất chấp tác động của Covid-19 vào quý 3. Lượng giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh trong năm 2021 tương ứng giai đoạn lãi suất thấp đã cho thấy thanh khoản dồi dào, trong khi nhu cầu vốn ở mức vừa phải.
Về lạm phát năm nay, các chuyên gia tại đây cũng đưa ra 2 kịch bản với chỉ số CPI dao động trong khoảng 3-4,5%.
Trong đó, các yếu tố chính tác động tới CPI năm 2022 được BSC dự báo là giá dầu, giá thịt lợn, giá điện và giá dịch vụ y tế.
Tính đến cuối tháng 12/2021, chỉ số CPI đã đạt mức 1,81% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trung bình cả năm đạt 1,84%.
Đến cuối tháng 12/2021, tín dụng đạt 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020. (Ảnh: L.Đ)
Tăng trưởng tín dụng vào bất động sản, chứng khoán… sẽ được kiểm soát chặt chẽ
Còn theo số liệu mới nhất của công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 12, khi thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 12/2021, tín dụng đạt 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020.
Như vậy, tương tự như diễn biến cuối năm 2020, tín dụng đã tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2021 khi chỉ tính trong tháng 12, các Ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 253 nghìn tỷ đồng – tăng 38% so với tổng mức cấp tín dụng mới trong tháng 11.
Theo các chuyên gia của SSI, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng ở mức 14% và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 02 năm.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước định hướng dòng vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú… Trong khi đó, dòng vốn vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… sẽ được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận