Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng sẽ chậm lại trong quý 4/2022?
Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại kể từ quý IV/2022, bởi ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất: Thu nhập ngoài lãi sẽ chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong đó, thu nhập từ mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ hai: Thanh khoản thị trường bất động sản bị tắc nghẽn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ ngoại bảng. Mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng đang khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm khi thị trường bất động sản khó khăn.
Thứ ba: Nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng khi các động thái kiểm soát tín dụng khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản bị tắc nghẽn. Các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và áp lực mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chậm lại là lãi suất huy động tăng đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, khiến biên lãi thuần (NIM) sụt giảm.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2023.
Bởi diễn biến bất lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng mà còn đe dọa nợ xấu có nguy cơ tăng trong thời gian tới, nhất là các ngân hàng đã mạnh tay đầu tư trái phiếu cũng như cho vay bất động sản.
Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đã cải thiện rất nhiều thời gian qua, song việc nợ xấu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ này và tác động lợi nhuận, nhất với những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu còn thấp.
Tuy nhiên, tác động trên sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt vừa qua, cùng với những thành viên đẩy mạnh được các nguồn thu ngoài lãi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận