Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải cách “vạch đích” gần 10.000 tỷ đồng
Mốc kết thúc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tháng. Để giải ngân hết kế hoạch vốn cả năm đạt tối thiểu 96%, từ nay tới 31/1/2022, Bộ Giao thông vận tải tăng tiến độ giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng để cán đích đúng hẹn, giữ vững lá cờ đầu giải ngân trong các các bộ, ngành trên toàn quốc...
Báo cáo tại Hội nghị giao ban Bộ Giao thông vận tải tháng 11/2021 về phương hướng nhiệm vụ tháng 12/2021 diễn ra ngày 26/11, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết, dự kiến trong tháng 11/2021 Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân được 3.283 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch.
11 THÁNG GIẢI NGÂN GẦN 32 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Được biết, tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải khoảng 43.401 tỷ đồng. Trong đó, có 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm 2021 và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải phân bổ, giao chi tiết toàn bộ số 42.996 tỷ đồng.
Trong tháng 11/2021, lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu, rà soát chất lượng và tiến độ các dự án, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công.
Hàng tuần Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên họp kiểm điểm các dự án có biểu hiện chậm thực hiện giải ngân, rà soát, đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân theo từng dự án cụ thể.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra hiện trường, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách và các dự án khác có tiến độ hoàn thành trong năm 2021.
Cũng trong tháng 11/2021, Bộ hoàn thành bàn giao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho TP. Hà Nội để đưa vào vận hành, khai thác và dự kiến khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, để giải ngân hết kế hoạch vốn cả năm đạt tối thiểu 96%, tương đương kết quả năm 2020, đáp ứng mục tiêu giải ngân 95-100% theo kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 63 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, từ nay tới 31/1/2022, chỉ còn 2 tháng, Bộ Giao thông vận tải còn phải tiếp tục giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng.
Đối với các dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, lũy kế giải ngân được 11.892/14.585 tỷ đồng, đạt 81,5%. Tới cuối năm còn phải giải ngân 2.243 tỷ đồng, chủ yếu để thanh toán khối lượng thi công.
Các dự án giao thông trong nước khác lũy kế giải ngân được 9.724/13.741 tỷ đồng, đạt 70,7%, tới cuối năm còn phải giải ngân 3.907 tỷ đồng, chủ yếu trả nợ BT, thu hồi ứng trước kế hoạch.
Với các dự án ODA lũy kế giải ngân 11 tháng được 4.339/6.758 tỷ đồng, đạt 64,2%. Như vậy, tới cuối năm các dự án ODA phải giải ngân 1.629 tỷ đồng, gồm 1.080 tỷ đồng vốn nước ngoài và 549 tỷ đồng vốn đối ứng, chủ yếu là tạm ứng hợp đồng của các dự án Quốc lộ 19 kết nối Tây Nguyên, kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tuyến nối Quốc lộ 91 với tuyến tránh Long Xuyên.
Đáng chú ý, theo Vụ Kế hoạch đầu tư, đến thời điểm này vẫn còn một số dự án chậm tiến độ giải ngân.
Cụ thể, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận giải ngân dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất chậm 192 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 do Sở Giao thông vận tải Kon Tum chậm 118 tỷ đồng. Hay dự án Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến huyện Châu Thành do Ban quản lý dự án 7 chậm 298 tỷ đồng…
"TỐI HẬU THƯ" VỚI CHỦ ĐẦU TƯ GÂY CHẬM TIẾN ĐỘ
Nếu tính theo tiến độ giải ngân trong tháng 11 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải sẽ cần tới 3 tháng để “cán đích” trong khi thời gian gấp rút chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng. Trước thời gian cấp bách, giữa tháng 11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký ban hành “tối hậu thư”, phát động phong trào thi đua toàn ngành theo chuyên đề “Đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021”.
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch vào cuối năm 2021 và 95% vào tháng 1/2022, giữ vững lá cờ đầu giải ngân các bộ, ngành trên toàn quốc. Tăng tốc giải ngân, không bỏ quên chất lượng, Bộ Giao thông vận tải còn đặt mục tiêu 100% dự án, công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
“Xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công thuộc phạm vi quản lý”. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
“Tối hậu thư” của tư lệnh ngành chỉ rõ, giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021 và là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.
Đáng chú ý, Bộ trưởng nhắc nhở các đơn vị cần tăng cường kỷ luật, chống tiêu cực, lãng phí trong giải ngân vốn đầu tư công. Đề cao tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm.
Đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân nhưng không bỏ quên chất lượng, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu 100% dự án, công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi công, đồng thời, nâng cao đời sống người lao động.
DỰ KIẾN SẼ KHỞI CÔNG MỚI 67 DỰ ÁN GIAI ĐOẠN 2021-2025
Đồng thời, Bộ thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn và vướng mắc. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.
Kết luận tại buổi giao ban, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, 2021 là năm khó khăn chung, đặc biệt với ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, toàn ngành bám sát kế hoạch năm với kết quả tương đối khả quan, đảm bảo các yêu cầu và nhiệm vụ được giao của Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng yêu cầu tập trung vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại như công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới cho năm tiếp theo, rà soát điều chỉnh vốn, tập trung công tác cải cách hành chính và hoàn thiện bộ máy, các công việc liên quan đến chuyển đổi số…
Về công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch trung hạn cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, trong dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến triển khai khởi công mới 67 dự án.
Đáng lưu ý, 6 dự án quan trọng quốc gia Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên triển khai trong thời gian tới, đó là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, dự án đầu tư công mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B - C.
Trước mắt, kế hoạch tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 9 dự án, hoàn thành 12 dự án.
Trong đó, tập trung chỉ đạo khởi công một số dự án trọng điểm như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; Luồng Sông Hậu; Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; Tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau; Quốc lộ 1A tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng…
Đặc biệt tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành một số dự án trọng điểm như cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; Đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Quốc lộ 24; Quốc lộ 25; Quốc lộ 53…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận