Tăng tốc giải ngân đầu tư công các tháng cuối năm
Hết 9 tháng có 23 địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Vướng mắc chính là công tác giải phòng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án trọng điểm.
9 tháng năm nay, kết quả giải ngân đầu tư công của cả nước mới đạt 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tại Công điện 104 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành mới đây nhằm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác thanh quyết toán, không để tồn đọng khối lượng và dồn thanh toán vào cuối năm.
Các tỉnh thành phía nam triển khai giải pháp giữ mục tiêu giải ngân đầu tư công
Số vốn 600 tỷ đồng từ dự án nút giao An Phú, TP Hồ Chí Minh sẽ được điều chuyển cho các dự án dở dang khác tại các quận, huyện có phương án giải ngân khả thi hơn. Điều tiết, điều chuyển vốn cũng là một trong những cách thức để chính quyền TP Hồ Chí Minh tháo gỡ tổng số 57 dự án đầu tư công gặp vướng mắc về thủ tục. Thành phố cũng đã nỗ lực giải phóng mặt bằng trên 99% cho dự án trọng điểm quốc gia là đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp để cải thiện tỷ lệ giải ngân trong giai đoạn cuối năm.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "Vừa rồi có khó khăn về cát đã tháo gỡ, hiện nay đã bắt đầu có lượng cát từ các tỉnh miền tây hỗ trợ, chúng ta đang triển khai. Phấn đấu vẫn giữ mốc 2026 chúng ta sẽ hoàn thành Vành đai 3 cùng với các tỉnh".
Tại các tỉnh thành phía Nam, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nhìn chung chưa đạt kỳ vọng. Dù vậy chính quyền các tỉnh thành cho biết vẫn kiên trì với mục tiêu giải ngân ít nhất 95%. Trong đó nhóm giải pháp quan trọng là san sẻ nguồn cát san lấp giữa các địa phương với nhau. Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang đã hoàn tất phê duyệt trữ lượng, khai thác nhiều hơn các mỏ cát theo quy định để phục vụ dự án.
Hai vị trí khai thác cát trên sông Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long được đưa vào hoạt động, với trữ lượng mỗi ngày đạt gần 2.500m3 cát, để có thể cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đây là cách mà các địa phương san sẻ nguồn vật liệu san lấp để có thể đảm bảo tiến độ của các dự án cao tốc mang lại lợi ích chung cho cả vùng.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: "Đối với các dự án đã giao mặt bằng sạch, thì sẽ làm việc với đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thứ hai là đối với các dự án còn vướng mặt bằng thì tập trung giải quyết dứt điểm. Thứ ba là tập trung huy động nguồn cát, vật tư để tập trung cho các dự án chúng ta đã lên tiến độ từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành".
Chính quyền các địa phương cũng tiếp tục ứng dụng công nghệ vào quản trị dự án, cắt giảm thời gian thực hiện để đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giải ngân đầu tư công.
Nguyên nhân chậm giải ngân nằm ở giải phóng mặt bằng
Vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương chính là công tác giải phòng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án trọng điểm.
Hết 9 tháng, có 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Một trong những điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương này chính là công tác giải phòng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án trọng điểm.
Như tại dự án thành phần 2 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đi qua tỉnh Đồng Nai hiện mới chỉ có 7/58ha mặt bằng sạch và cũng chỉ giải ngân nguồn đầu tư công chưa đến 20% kế hoạch năm nay. Sau 15 tháng khởi công, hiện nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường điện, nước, cáp quang chưa được di dời. Đến cuối tháng 9 vừa qua, vẫn còn 70% nguồn vốn xây lắp của 2 dự án thành phần tuyến này vẫn chưa được giải ngân. Trước tình trạng này, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị của huyện Long Thành xử lý các vướng mắc về thẩm định giá, tái định cư. Xã phường nào chưa bàn giao đủ mặt bằng sạch sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.
Đẩy nhanh tiến độ xây lắp nhờ tách riêng dự án giải phóng mặt bằng
Từ trước đến nay, giải phóng mặt bằng vẫn là khâu thường làm kéo dài tiến độ các dự án nhất. Nếu vừa làm vừa giải phóng mặt bằng thì rất dễ rơi vào tình trạng thi công chờ mặt bằng. Do đó, với một số dự án trọng điểm được áp dụng cơ chế đặc thù tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp đã ngay lập tức phát huy được hiệu quả tích cực. Câu chuyện ghi nhận tại dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Quận Hà Đông - Hà Nội cần thu hồi hơn 68ha đất cho dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Đến nay, chỉ còn rải rác một số điểm mặt bằng chưa bàn giao, được quận đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong năm nay.
Bà Phạm Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, TP Hà Nội cho biết: "UBND quận cũng chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan cũng như là UBND các phường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để vận động người dân chấp hành pháp luật cũng như sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án".
Đường vành đai 4 có tổng chiều dài gần 113km, đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, mục tiêu hoàn thành trong năm 2027. Đến nay, TP Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 98%. Tiến độ được đẩy nhanh một phần nhờ áp dụng cơ chế thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án xây lắp.
Việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng với dự án xây lắp được cho là điểm mấu chốt để đẩy tiến độ cho các dự án giao thông trọng điểm. Bởi vì ngay sau khi được phê duyệt chủ trương, thì dự án giải phóng mặt bằng sẽ có thể được triển khai ngay để có thể bàn giao mặt bằng sạch cho công tác thi công.
Không phải chờ giải phóng mặt bằng xong mới tiếp tục các thủ tục chuẩn bị khởi công, đường vành đai 4 đã có đến 70% mặt bằng sạch ngay khi bắt tay vào thi công xây dựng. Nhờ đó, có thể đẩy nhanh tiến độ chung của dự án.
Ông Đỗ Đình Phan - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho hay: "Việc mặt bằng mà phê duyệt thành dự án độc lập và đi trước và triển khai trước trong cái hoạt động đầu tư như việc dự án đấu thầu thì sẽ tạo mặt bằng sạch khi nhà thầu vào triển khai thi công thì sẽ sớm đưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả cho công trình".
"Việc giải phóng mặt bằng trước thì nó hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu triển khai thi công cho đơn vị thi, đến giờ này thì cũng đang đáp ứng được tiến độ thi công mà chủ đầu tư đã phê duyệt", ông Mai Thế Khang - Phó Chỉ huy trưởng gói thầu số 10 đường Vành đai 4, Công ty 319 chia sẻ.
Việc thực hiện thí điểm tách riêng giải phóng mặt bằng ở một số dự án giao thông trọng điểm đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Cơ chế này hiện cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định tiếp tục áp dụng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Còn khoảng 2 tháng rưỡi cuối năm 2024 và tháng 1 của năm 2025 để thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công của năm nay. Cuối năm vẫn thường là giai đoạn cao điểm của công tác giải ngân. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm của các dự án điển hình như đường dây 500kV mạch 3, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành, địa phương thì dư địa để giải ngân vốn đầu tư công của năm nay vẫn còn khá lớn.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chúng tôi cũng kiến nghị phát động phong trào trong cả nước là 120 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là trên 92% cho mục tiêu đã đề ra. Bởi lẽ là trong cái phong trào này thì nó chứa đựng rất nhiều nội hàm về công tác chỉ đạo của Thủ tướng mà cần phải vận dụng vào thực tế. Ví dụ như là vượt nắng thắng mưa hay là làm xuyên ngày lễ, làm ngày không đủ thì làm ban đêm. Tất cả cái chỉ đạo đấy của Thủ tướng thì có thể cụ thể hóa trong từng dự án một. Và thường các cái phong trào quyết tâm 120 ngày đêm chúng ta phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công".
Việc gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong việc quyết liệt tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công đã liên tục được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, với mục tiêu cao nhất là phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận