24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tăng sức "đề kháng" cho hệ thống đô thị

Siêu đô thị đâu phải là thiên đường, là ánh hào quang rực rỡ của văn minh đô thị, mà thực tế nó đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Theo Jane Jacobs, người Mỹ gốc Canada, nhà hoạt động xã hội, nhà đô thị học, nhà tư tưởng của thế kỷ XX, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Cái chết và cuộc sống của những thành phố lớn tại Mỹ” (Death and life of Great American Cities), thì đến năm 2030, hai phần ba dân số thế giới sẽ cư trú ở đô thị, và thế giới khi đó sẽ có 41 siêu đô thị có dân số cư trú từ 10 triệu người trở lên.

Siêu đô thị - các thách thức phải đối mặt

Sự xuất hiện càng nhiều những thành phố lớn tập trung đông dân cư, cũng có nghĩa mật độ tập trung những cư dân ưu tú có trình độ cao, kỹ năng cao - nguồn nhân lực cho sự phát triển sẽ nhiều hơn.

Thế nhưng, Jane Jacobs cũng chỉ rõ, siêu đô thị đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như sự phân hóa giàu nghèo, sự mất dân chủ trong hưởng thụ tiện ích xã hội, sự đối phó thụ động khi xảy ra những biến cố lớn bởi biến đổi khí hậu và đại dịch.

Đúng như thế. Nếu như năm 2003 dịch cúm SARS tàn phá Hongkong (Trung Quốc), trung tâm tài chính kinh tế hàng đầu châu Á, thì đại dịch Covid-19 hiện nay, đã làm tê liệt những siêu đô thị như New York, thành phố phồn vinh nhất nước Mỹ, Vũ Hán (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp), London (Anh), Milan (Italy)... và ngay cả Singapore, đất nước của nền kinh tế toàn cầu, của môi trường xanh, kiến trúc xanh cũng không tránh khỏi hệ lụy…

Hình ảnh những thành phố toàn cầu trên thế giới trong những ngày giãn cách xã hội được lan truyền trên mạng internet đã làm chúng ta ngạc nhiên. Thành phố không một bóng người. Không hoạt động cộng đồng. Thành phố như đã chết trong các phim giả tưởng của Hollywood.

Và trong cơn khủng hoảng về xã hội và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, các nhà quy hoạch đô thị đã đau xót nhận ra rằng: Các trung tâm thương mại hào nhoáng, những khu chung cư cao vài chục tầng hiện đại… và hệ thống Metro, nơi lượng người tham gia giao thông công cộng đông nhất kia lại chính là những ổ dịch dễ lây lan và nguy hiểm nhất cho cộng đồng?!

Vậy khái niệm về thành phố mật độ cao hay đô thị nén với hệ thống giao thông công cộng hiện đại mà Hội nghị quốc tế đầu tiên về biến đổi khí hậu tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1979 do Liên Hợp Quốc tổ chức, đã khuyến khích và thúc đẩy phát triển, như lời giải cho bài toán phát triển đô thị bền vững của nhân loại trong thế kỷ XXI, có cần phải xem xét lại trong bối cảnh đại dịch virus corona xảy ra trên phạm vi toàn cầu!?

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Hà Nội và TP.HCM, hai siêu đô thị có dân số 8 - 12 triệu người cũng trải qua những ngày vất vả, căng thẳng phòng chống dịch như các quốc gia trên thế giới nhưng với mức độ khác nhau. Những ngày đó, đường phố vắng lặng.

Khu phố cổ Hà Nội và khu vực chung quanh Hồ Gươm bình thường vốn nhộn nhịp và đông đúc là thế, giờ cũng im lìm không một bóng khách du lịch. Trên các phương tiện truyền thông, thường xuyên đưa hình ảnh sinh hoạt tại nhà của người dân và cả người nổi tiếng của giới showbiz để chứng minh rằng, dù có đại dịch, dù có phải sống giãn cách xã hội, cách ly cộng đồng thì con người vẫn sống vui vẻ, yêu đời với những tiện ích mà thời công nghệ số đem lại.

Cần nâng cao chất lượng đô thị

Dịch Covid-19 chưa kết thúc và cũng chưa biết đến khi nào có thể kiểm soát được. Nhưng trước những bất cập đã bộc lộ kể trên, lúc này các nhà quy hoạch và quản lý đô thị nước ta có rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

Trước hết, phải xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm về mô hình phát triển đô thị Việt Nam như thế nào để ít bị tổn thương nhất, ảnh hưởng thấp nhất đến sự phát triển kinh tế khi phải đối phó các loại dịch bệnh tương tự.

Đô thị lớn tập trung với mật độ cao như Hà Nội và TP.HCM, chạy đua xây dựng nhà cao tầng với khối tích lớn dày đặc trong vùng lõi đô thị đang chật cứng người liệu có đúng không? Các đô thị vệ tinh trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 lẽ ra phải là nơi phát triển, thu hút dân cư thì đã gần 10 năm nay bị lãng quên, hay ít được quan tâm (trừ đô thị Hòa Lạc - Xuân Mai)?

Các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều với san sát chung cư cao tầng - nơi trú ngụ của hàng chục vạn người, liệu có phải là mô hình đáng sống? Các không gian công cộng, không gian xanh, mặt nước ngày càng bị thu hẹp và xuống cấp sẽ phát huy tác dụng thế nào khi đại dịch?

Hiện nay, ngoài vài thành phố lớn và siêu lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ thì hệ thống đô thị Việt Nam còn hơn 800 đô thị vừa và nhỏ có dân số từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn người. Đó là vốn quý, là tiềm năng cho phát triển bền vững nếu được quan tâm đầu tư, chăm sóc. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã thông qua Khung thực hiện chương trình phát triển đô thị nhằm tạo hỗ trợ pháp lý để tăng tốc phát triển.

Song chưa có một chính sách nào đề cập tới sức chống chịu và khả năng đối phó thảm họa của đô thị. Quy hoạch chiến lược đô thị của ta còn chung chung, nên các đô thị đang trong tình trạng không rõ quy mô. Đô thị còn bị các dự án đầu tư dẫn dắt phát triển, chứ không phát triển theo quy hoạch.

Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời kỳ của công nghệ số, của trí tuệ nhân tạo, của đô thị thông minh, nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu và các đại dịch đã và sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu.

Để có thể tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, đã đến lúc phải chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, thay vì bằng mọi cách (kể cả vay mượn các chỉ tiêu) để nâng cấp, mở rộng diện tích và quy mô đô thị.

Các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại và có bản sắc, được kết nối với nhau bởi hệ thống giao thông từ Bắc đến Nam, sẽ là động lực phát triển kinh tế bền vững của địa phương, của vùng, của cả nước.

Và đó cũng sẽ là nơi đáng sống, là nơi cư trú an toàn cho cư dân và cộng đồng khi xảy ra các đại dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả