Tăng quá nóng, trái phiếu doanh nghiệp sắp bị thanh, kiểm tra và siết quy định mới
Ngày 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp đã tăng nóng thời gian qua
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản.
Nằm trong diện thanh tra lần này còn có các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Kết quả thanh tra cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12.
Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Tài chính kiểm tra, thanh tra việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng; cảnh báo rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng.
Bộ Công an nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Công điện của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng và Bộ Tài chính đã có những cảnh báo, Ngân hàng Nhà nước gần nhất đã ban hành quy định siết ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp cụ thể.
Theo Bộ Tài chính, trong số các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%, trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%. Trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, có 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN
“Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này”, Bộ Tài chính đánh giá.
Ngoài ra, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.
Về phía nhà đầu tư, số liệu thống kê cho thấy nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có xu hướng giảm mua trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ, tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.
Trước nguy cơ rủi ro hiện hữu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, cụ thể như sau:
Trong đó, Vụ Tài chính ngân hàng có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm về phát hành TPDN. Tích cực phối hợp với cơ quan điều tra đấu tranh trong việc xử lý vi phạm về phát hành TPDN theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, triển khai công tác tuyên truyền về pháp luật và cảnh báo các rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các đối tượng tham gia thị trường.
Nỗi lo bong bóng trái phiếu
Trước đó, sự nóng lên của thị trường TPDN đã dấy lên nhiều nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư, được các chuyên gia tài chính thường xuyên cảnh báo. Gần đây nhất, theo đánh giá của FiinGroup, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết, nhưng phát hành trái phiếu trong giai đoạn vừa qua là rất đáng lo ngại. Đặc biệt, mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) của các doanh nghiệp chưa niêm yết đã lên mức 8,1x, trong khi hệ số này của các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5x.
Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng có biện pháp kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tránh rủi ro cho nền kinh tế (ảnh: Ngọc Phượng)
“Mức độ đòn bẩy tính tới hiện tại còn cao nữa, khi giá trị trái phiếu phát hành mới bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết trong 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương 38% tổng tài sản của họ tại thời điểm cuối năm 2020, trong khi con số này với các doanh nghiệp đã niêm yết chỉ chiếm khoảng 4%”, nhóm chuyên gia phân tích tín dụng của FiinGroup nêu.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, trên thị trường đang lan truyền một loại trái phiếu mang tên “ba không” đó là: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có xếp hạng tín nhiệm; Không có tài sản đảm bảo (chiếm 26% khối lượng phát hành); và Không có bảo lãnh thanh toán, nghĩa là khi trái phiếu đó gặp rủi ro thì không có bên đứng ra bảo lãnh thanh toán. Những trái phiếu này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Về vấn đề bảo lãnh thanh toán, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu từng phân tích, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức là nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
“Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ, các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ", vị chuyên gia cảnh báo.
Có thể thấy, TPDN được xem là kênh dẫn vốn rất hiệu quả, nhưng không phải dành cho tất cả, mà chỉ dành cho những doanh nghiệp có nỗ lực xây dựng thương hiệu, hình ảnh, chất lượng quản trị điều hành, đảm bảo tiêu chí nhất định thì mới tận dụng được kênh dẫn vốn này, để huy động và phát triển mạnh hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận