Tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, bất động sản hướng đến nhu cầu thực
Mặc dù thị trường BĐS nhà ở tại Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, nếu có thêm các chính sách hỗ trợ sẽ cải thiện được thanh khoản của thị trường.
Kỳ vọng về tốc độ hồi phục của thị trường
Thị trường bất động sản Đà Nẵng 2023 tiếp tục trải qua khó khăn, thách thức, tuy nhiên được dự báo có nhiều điểm sáng hơn trong năm 2024. Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ khó tạo được đột phá, nhưng sẽ đan xen nhiều cơ hội mới.
Thị trường bất động sản Đà Nẵng cuối năm 2023 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn so với đầu năm.
Nhìn lại toàn cảnh thị trường Đà Nẵng năm 2023, ông Trần Trọng Vũ, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường bất động sản, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam VARS tại Đà Nẵng cho biết, cuối năm thị trường bất động sản đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn so với đầu năm.
Trong đó, các sản phẩm đang được thị trường hấp thụ nhiều nhất với lượng tìm kiếm tăng vọt là đất nền và các chung cư giá rẻ tại một số khu vực như Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân, Bàu Tràm Lakeside với mức giá tăng nhẹ từ 5-10% so với thời điểm đầu năm.
Ở phân khúc chung cư lực bán cũng được hấp thụ tốt, có thể kể đến các sản phẩm mở bán như FPT Plaza với 27 triệu đồng/m2; The Panoma của Sun Group ghi nhận mức giá từ 60-70 triệu đồng/m2. Đây là mức giá khá thấp so với mặt bằng cung ở phân khúc cao cấp.
“Một điểm đáng chú ý là năm nay các sản phẩm bất động sản tạo dòng tiền được giới đầu tư tìm mua khá nhiều. Hầu hết các sản phẩm tạo được dòng tiền trên 4%/năm so với giá vốn đều được giao dịch thành công”, ông Vũ đánh giá.
Theo Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường bất động sản VARS, không giống các địa phương khác, đỉnh bất động sản Đà Nẵng được thiết lập từ đầu năm 2019, sau đó suy thoái và giảm sâu do gặp biến động bởi dịch Covid-19.
Đến thời điểm “đỉnh sóng” của thị trường bất động sản năm 2022, thị trường này đã nhanh chóng lấy lại được phong độ nhưng giá bất động sản vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Điều này cho thấy, bất động sản Đà Nẵng đang có độ nét so hơn với các địa phương khác.
Ngoài ra, về phía Nhà nước, cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà ở vừa túi tiền với mục tiêu chính là khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nguồn cung phân khúc này, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các hộ gia đình có thu nhập trung bình hoặc cận trung bình.
Bao gồm các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng “sức mua" hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ, và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự. Hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành các dự án hạ tầng xã hội...
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề cần cân nhắc khi mua nhà thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực lõi trung tâm sang ven đô là tất yếu. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cũng là một trong những giải pháp để có thể rút ngắn quá trình phát triển và sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Nhu cầu ở thực là “điểm tựa” để tái cấu trúc thị trường BĐS
Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung phân khúc đất nền trong năm 2024 có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2023, dao động khoảng 450 - 550 nền, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với năm 2023. Thanh khoản và mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục đà giảm của năm 2023 đặc biệt ở nhóm dự án chưa hoàn thiện pháp lý, nhóm khách hàng có sử dụng vốn vay.
Đà Nẵng hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nguồn cung nhà ở xã hội, giá ở giá bình dân với số lượng hơn 15.000 căn.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong năm 2024 có thể dao động ở mức 800 - 1,000 căn. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ hạng A dự kiến sẽ tăng, phân bổ chủ yếu tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động hoặc điều chỉnh tăng nhẹ trước áp lực các chi phí đầu vào. Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, hỗ trợ ân hạn gốc, lãi vay ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh nhằm kích cầu thị trường.
Ông Trần Trọng Vũ thì nhận định, thị trường sẽ có nguồn cung lớn về chung cư trong thời gian tới khi các Chủ đầu tư bất động sản đang hoàn thiện pháp lý và dần mở bán từ quý 3/2024.
Đặc biệt, Đà Nẵng hiện đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nguồn cung nhà ở xã hội, giá ở giá bình dân với số lượng hơn 15.000 căn. Ngay trong tuần đầu năm 2024, địa phương cũng đã đăng công khai rao bán nhà ở xã hội đợt đầu tiên. Song, trên thực tế, vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân.
Lý giải về vấn đề này, ông Vũ thông tin, một mặt nhà ở xã hội tại Đà Nẵng hiện nay mới đang tập trung chủ yếu ở khu vực Liên Chiểu, còn tại phía Nam và Tây Nam thành phố thì gần như không có dự án mới.
Còn mặt khác, mức độ tăng dân số tại Đà nẵng hiện nay là 2,51%/năm, do đó nguồn cung nhà ở xã hội hiện có nhiều nhưng cũng chưa đủ để có thể đáp ứng. Bằng chứng rõ nhất là trong năm 2023 đã có gần 15 đợt mở bán với 1700 sản phẩm mở bán chung cư nhà ở xã hội và đều hết hàng nhanh chóng.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, từ câu chuyện khủng hoảng thị trường bất động sản thì nguồn cầu ở thực là động lực lớn nhất để hỗ trợ thị trường.
Trong năm 2023 nhiều sàn phân phối bất động sản đã phải gặp nhiều khó khăn do nguồn cung mới khan hiếm, thị trường không hấp thụ được khiến các sàn phải cắt giảm nhân sự. Thậm chí có nhiều nơi phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng các đơn vị kinh doanh môi giới bất động sản chuyên về các sản phẩm nhà phố, chung cư, thổ cư vẫn phát triển mạnh và mô hình ngày càng được nhân rộng.
Lấy ví dụ như Tuấn 123; Hoàng Gia; Phố Xanh; Nhà phố Việt Nam vẫn đang hoạt động mạnh mẽ, quy mô duy trì con số hàng trăm người. Chứng tỏ lực cầu ở thực đang chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn này.
Việc các doanh nghiệp bất động sản đang tái cấu trúc lại sản phẩm, chuyển hướng sang phân khúc ở thực, giá rẻ nhằm cải thiện thanh khoản được xem là tin vui cho thị trường bất động sản từ giai đoạn này trở đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận