Tăng lương tối thiểu vùng: Bài toán hóc búa cho DN
Tiền lương tăng kéo theo nỗi lo về chi phí tăng cao và thêm thách thức
Sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng lên 5,5% so với năm 2019, với mức lương tối thiểu mỗi tháng ở vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng). Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định rằng, mức tăng tối thiểu này đã gần đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, song đối với các DN sản xuất kinh doanh, nhất là những DN sử dụng nhiều nhân công trong lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng... thì sẽ là bài toán khá hóc búa, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, số DN thành lập mới và quay lại hoạt động là 88.600 DN, trong khi đó số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể là 42.900. Điều đáng quan ngại hơn là báo cáo từ Tổng cục Thuế cho thấy, hiện chỉ có khoảng gần 39% DN có phát sinh doanh thu. Như vậy, cũng đồng nghĩa với việc có đến hơn 60% DN kinh doanh cầm chừng hoặc không có lãi.
Trên thực tế, DN Việt có đến 97% là DNNVV, trong đó chỉ có 21% DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, năng suất của khu vực DNNVV còn thấp, lại có xu hướng suy giảm liên tục do hạn chế về công nghệ, nguồn vốn, trình độ quản lý cũng như nguồn nhân lực thường yếu cả về lượng lẫn về chất. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc tăng lương đối với người lao động để duy trì nguồn nhân lực và kích thích tăng năng suất là vấn đề các DN luôn quan tâm, nhưng tăng như thế nào cho phù hợp lại luôn là vấn đề nan giải, bởi hoạt động của các DN còn liên quan đến hàng loạt các chi phí khác như các loại phí bảo hiểm, công đoàn...
Giám đốc một DN chế biến xuất khẩu thủy sản tại quận 4, TP. HCM có hàng nghìn lao động cho biết, tác động của việc tăng lương đối với DN là rất lớn. Trên thực tế, mức lương hiện tại mà DN chi trả cho công nhân để người lao động có thể yên tâm gắn bó với công việc và tái tạo sức lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu rất nhiều. Nên đối với DN này, vấn đề là năng suất có đồng bộ với tiền lương hay không mà thôi.
“Theo quy định của Bảo hiểm xã hội (BHXH), mức lương căn cứ để đóng bảo hiểm hàng tháng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện bình thường. Riêng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo, học nghề thì mức lương tháng đóng BHXH cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Như vậy có thể làm một phép tính đơn giản như sau: tại vùng 1, nếu như năm 2019, DN phải chi trả cho một người lao động chưa qua đào tạo là 4.180.000 đồng/tháng và người đã qua đào tạo (cộng ít nhất 7%) sẽ là 4.472.000 đồng/tháng. Bước qua năm 2020, với mức tăng lương tối thiểu 5,5% sẽ tăng lên là 4.420.000 đồng/tháng với người chưa qua đào tạo và 4.729.000 với người đã qua đào tạo. Như vậy, đối với những DN sử dụng hàng ngàn lao động thì con số này sẽ rất lớn!”, vị giám đốc này phân tích thêm.
Nhiều Hiệp hội ngành nghề cũng đưa ra quan điểm, với xu hướng như hiện nay, thời gian tới rất nhiều DN trong những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động sẽ chuyển sang đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ để dần dần cắt giảm bớt nhân công. Bởi, mức tăng trưởng của DN theo không kịp các chi phí.
Bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, bản chất của việc tăng lương là để kích thích tăng năng suất và chất lượng lao động, nhưng nếu không kiểm soát những vấn đề khác như chi phí phát sinh theo lương, giá sinh hoạt phí gia tăng theo kiểu “té nước theo mưa”... thì việc tăng lương sẽ vô hình trung trở thành gánh nặng cho người lao động, DN và cản trở kinh tế phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận