Tăng giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp đề xuất tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân nộp thuế lên 11 triệu/ tháng của Bộ Tài chính vẫn chưa hợp lý.
Tại công văn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Cơ sở để đưa ra đề xuất này là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân): “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 (ngày có hiệu lực của Luật số 26/2012/QH13) tăng 23,2%. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
-Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này của Bộ Tài Chính?
Hiện nay, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012 thì giảm trừ gia cảnh được hiểu là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây: - Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); - Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Như vậy, theo đề xuất của Bộ tài chính tại Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân thì mức giảm trừ cá nhân được tăng lên 2.000.000 đồng.
Có thể thấy đề xuất này được coi là tín hiệu đáng mừng đối với người lao động, tuy nhiên thực tế pháp luật đã quy định rõ về thời điểm phải tăng mức giảm trừ gia cảnh, đó là trong trường hợp chỉ số tiêu dùng CPI biến động trên 20% thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Tôi cho rằng việc đề xuất mức tăng giảm trừ gia cảnh là hơi muộn khi chỉ số tiêu dùng CPI khi tính đến cuối tháng 12/2019 đã tăng hơn 23%.
Từ khi dự thảo được thông qua đến khi được thi hành sẽ khiến những đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật là những người lao động có mức thu nhập từ trung bình trở lên chịu thiệt hại.
Với tình trạng lạm phát, giá cả leo thang như hiện nay thì việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết bởi lẽ nó sẽ giảm bớt được phần nào áp lực từ việc nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ biên độ tăng ở mức nào lại là câu chuyện khác.
Tuy nhiên, mức tăng 2 triệu đồng cũng chưa tương xứng với chỉ số tiêu dùng khi nó ngày một tăng, trong khi đó, chúng ta từ 5-7 năm mới sửa đổi luật một lần.
Hơn nữa, tôi cho rằng việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cố định là không phù hợp trong bối cảnh có sự phân hóa giữa các vùng về điều kiện kinh tế, về nhu nhập cũng như mức chi tiêu, ví dụ như mức chi tiêu ở các thành phố lớn sẽ cao hơn rất nhiều so với mức chi tiêu tại các vùng nông thôn, trong khi đó nghĩa vụ nộp thuế là bình đẳng, do đó cần phân hóa từng khu vực để áp dụng mức giảm trừ khác nhau.
-Các nước trên thế giới giải quyết vấn đề này như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ họ?
Ở mỗi quốc gia sẽ có phương thức tính thuế khác nhau như ở Mỹ sẽ tính thuế mỗi cá nhân theo thu nhập thực, tức thu nhập đã trừ đi chi phí tái đầu tư và các chi phí sinh hoạt khác.
Điều này đồng nghĩa, nếu công dân Mỹ dành phần lớn tiền kiếm được để đầu tư bất động sản hay mua xe hơi, đồ gia dụng thì khoản thuế trong năm đó họ phải đóng là rất thấp; còn phần thu nhập kiếm được từ các khoản đầu tư sẽ được tính thuế vào những năm tiếp theo nếu công dân Mỹ không tiếp tục đem đi đầu tư. Trong khi đó, thu nhập chịu thuế tại Hàn Quốc bao gồm: Thu nhập từ lao động; thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ cho thuê bất động sản; Thu nhập từ tài sản tạm thời; Thu nhập khác,…. Tuy nhiên, nhìn chung việc thu thuế ở các quốc gia này là khá minh bạch, rõ ràng.
Với Việt Nam, chúng ta cần có những biện pháp kiểm soát, quản lý đối với thu nhập của cá nhân thì mới đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng trốn thuế, gian lận thuế.
-Vậy, theo ông, mức áp thuế bao nhiêu là hợp lý?
Theo tôi, mức giảm trừ gia cảnh cần có một "khoảng hở" tương đối để dự liệu cho biến động trong tương lai, chẳng hạn như tăng 40% so với mức hiện nay thay vì chỉ tăng 20%, bằng mức tăng CPI. Ngoài ra, nên bổ sung quy định giao cho Chính phủ quyết định việc tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng đến một mức nào đó, thay vì phải trình ra Quốc hội và chờ đợi được thông qua.
Hiện nay, ước tính rằng tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5%/năm trong giai đoạn 2013-2019, để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ là hơn 55%.
Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu, tương tự mức miễn trừ với người phụ thuộc phải là 6 triệu/người. Nghĩa là một người có thu nhập bình quân 20 triệu/tháng và nuôi một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, đó mới là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, mức tính hợp lý nhất là ngưỡng thu nhập chịu thuế phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết, mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi tháng (tức 132 triệu đồng một năm). Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao. Như vậy, người có thu nhập dưới 15 triệu kèm một người phụ thuộc phải nộp thuế 120.000 đồng mỗi tháng. Nếu áp dụng điều chỉnh thì nhóm đối tượng này không phải nộp thuế.
Về thời điểm áp dụng, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnhnêu trên sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020, thì thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2020 chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính, đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 (kể từ ngày kết thúc năm dương lịch); do vậy trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnhcũ (9 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp theo mức GTGC mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh lần này nhằm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và sự biến động giá cả từ thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi, bổ sung một số điều) có hiệu lực vào tháng 7/2013 đến cuối năm 2019. Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong thực tế giai đoạn này, CPI đã tăng 23,2%.
Đối với ngân sách nhà nước (NSNN), với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019). Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người với tổng số thu NSNN đạt trên 79.219 tỷ đồng.
Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu NSNN xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận