Tăng giảm trồi sụt thị trường cần minh bạch
Sau phiên giao dịch chìm nghỉm trong làn sóng bán tháo chiều ngày 6/7 giữa bối cảnh hệ thống giao dịch mới được vận hành, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại ngay sau đó nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng đây chỉ là một cú “bull trap” bởi đã có quá nhiều thứ đạt đỉnh.
Trong khi khối ngoại vẫn trong trạng thái bán ròng, nhà đầu tư F0 chính là “phao cứu sinh” cho chuỗi tăng của Vn-Index khi chỉ số này liên tục chinh phục các đỉnh lịch sử mới 1.300 điểm rồi 1.400 điểm.
Chuỗi tăng nóng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua khiến chỉ số giá trên thu nhập (P/E) hiện lên đến 19,1x, tương đương thời điểm 2017-2018 và đây không phải là mức an toàn cho các giao dịch mua mới.
Trước diễn biến kể trên, có ý kiến cho rằng, thị trường đã tăng quá nóng và dấu hiệu của rủi ro đã ngày càng rõ ràng, nên chăng các cơ quan quản lý cần có biện pháp “ghìm cương” thị trường để bảo vệ các thành phần tham gia, cũng như sự phát triển chung.
Trong một phát biểu mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói rằng, thị trường chứng khoán không tách rời, riêng biệt mà đồng hành cùng sự phát triển chung của kinh tế. Với sự quyết liệt của Chính phủ trong xử lý dịch bệnh, việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao sẽ giúp triển vọng năm nay và năm sau phát triển.
Thế nhưng, thị trường chứng khoán luôn có 2 mặt thuận lợi và rủi ro, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trong 6 tháng cuối năm, UBCKNN sẽ thực hiện quyết liệt để bảo vệ công ty chứng khoán, nhà đầu tư và cả thị trường. Với bối cảnh hiện nay, còn biến động dịch bệnh, dù kiểm soát tốt nhưng vẫn cần cẩn trọng để giữ cho thị trường hoạt động bền vững.
Hơn nữa, quý III sẽ khó khăn hơn cho nền kinh tế vĩ mô vì có mức nền bắt đầu cao từ quý III năm ngoái. Khi đáy vĩ mô vào quý II năm ngoái kèm theo tác động của dịch bệnh với quy mô ca nhiễm Covid-19 tăng cao, nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội, nên triển vọng của quý III được đánh giá là ở mức thấp.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Thăng Long, đại diện CTCK TP.HCM (HSC), P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam dù được đánh giá đang ở mức cao nhưng so với các nước khác trong khu vực vẫn còn thấp (Hàn Quốc 21,1x; Thái Lan 29,5x). Điều này chứng tỏ được sức hấp dẫn về dài hạn của thị trường Việt.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích thuộc Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, dù khó đi lên như giai đoạn đầu năm do mặt bằng định giá đã không còn rẻ như giai đoạn trước, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán luôn hiện hữu, nên việc “ghìm cương” lúc này là không cần thiết, thay vào đó là làm trong sạch thị trường chứng khoán mới là hoạt động phải làm. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang lệ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư F0 như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận