Tăng giảm giá xăng dầu rút ngắn xuống 5-7 ngày/lần càng tốt
Liên quan đến tần suất điều chỉnh giá xăng dầu, chuyên gia cho rằng, thời gian càng ngắn càng tốt, thậm chí có thể rút ngắn xuống 7 ngày hoặc 5 ngày...
Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã thể hiện sự thống nhất với Bộ Công Thương khi lựa chọn giảm thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn khoảng 10 ngày.
Lý giải lựa chọn này, Bộ Tài chính cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giúp hoạt động điều hành giá xăng dầu trong nước sát với thế giới.
Theo đó sẽ khắc phục hạn chế mất cân đối cung cầu do độ trễ về giá, đặc biệt khi giá xăng dầu thế giới xuất hiện biến động tăng, giảm nhanh trong thời gian ngắn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Infonet, ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu là quá hợp lý vì giá xăng dầu thế giới luôn biến động.
“Trước kia 30 ngày, rồi giảm xuống 15 ngày và bây giờ đưa ra 10 ngày... thời gian điều chỉnh càng ngắn càng tốt. Thậm chí, có thể giảm xuống 7 hoặc 5 ngày có thể điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên việc điều chỉnh hàng ngày thì khó có khả năng thực hiện được”, ông Long nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nhấn mạnh, điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất là thị trường xăng dầu phải tiến tới cạnh tranh. Từ đó, giá được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, không có sự can thiệp của Nhà nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại khu vực Hà Nội cũng cho rằng, điều chỉnh giá xăng dầu càng ngắn ngày càng tốt.
Theo vị này, tốt nhất nên điều chỉnh kịp thời theo thị trường, nếu giá nhập tăng thì giá bán tăng, còn giá nhập giảm thì giá bán giảm.
“Khi xăng dầu nhập giảm mà không kịp thời điều chỉnh giá bán ra thì gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ngược lại khi giá nhập tăng mà không điều chỉnh kịp thì sẽ làm khó cho doanh nghiệp”, vị đại diện doanh nghiệp cho hay.
Ngoài ra, đối với việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính khẳng định, dù vẫn còn một số ý kiến khác nhau, song quỹ bình ổn giá vẫn là công cụ kinh tế, là giải pháp có tính khả thi, hiệu quả và được thống nhất quy định từ Luật đến các văn bản dưới luật, góp phần bình ổn giá xăng dầu, qua đó, góp phần ổn định mặt bằng giá cả chung.
Do đó, Bộ Tài chính đồng tình với Bộ Công Thương trong việc tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu ở góc độ cơ quan quản lý thuế.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, số dư quỹ Bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 3 năm nay còn hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận