24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Việt Nữ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tăng giá vé máy bay - 'tư duy làm du lịch chặt khúc'

Du khách không tiếc tiền sử dụng dịch vụ, nhưng họ rất dị ứng khi bị trở thành "con mồi" ở bất cứ khâu nào mỗi khi đi du lịch.

Theo khảo sát của VnExpress, giá vé máy bay nội địa hiện tăng khoảng 20% đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái và ít có sự chênh lệch giữa các hãng hàng không. Công suất phòng khách sạn tại các điểm du lịch cần di chuyển bằng máy bay như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng vào dịp 30/4 năm nay chỉ ở khoảng 60%. Con số này tại điểm du lịch không phụ thuộc đường hàng không như Sa Pa là từ 80% đến 100% tùy phân khúc khách sạn. Điều này cho thấy giá vé máy bay nội địa tăng cao đã tác động mạnh đến tình hình du lịch.

Nói về câu chuyện giá vé máy bay trong nước tăng cao, độc giả Lê Ánh chia sẻ: "Hình như tôi chưa từng thấy hãng hàng không quốc gia nào mà lại làm giá vé tất tay với khách nội địa cả. Nghĩa là tăng giá vé cao gấp nhiều lần để tạo sóng tâm lý mỗi dịp lễ, Tết, khiến ai cần phải đi buộc phải cắn răng mua đắt. Quy luật kinh tế không phải 'thuận mua vừa bán' như một số người vẫn nghĩ, mà phải là "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", đó mới là định lý để phát triển bền vững, thể hiện thành ý điều hành hợp tác.

Các hãng hàng không ở ta tung ra mức giá cao bất thường. Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích, đi tìm nguyên nhân, đặt ra nhiều câu hỏi rằng tại sao chỉ có ở Việt Nam mới đua tăng giá vé máy bay nội địa thời điểm này? Rồi bỗng giá lại giảm mạnh về mức cũ, không vì nguyên nhân khách quan nào cả, mà chỉ là do người đi du lịch chuyển sang nước ngoài hết. Nhưng sự điều chỉnh này này dường như đã muộn".

Bạn đọc Thao Thanh Pham chỉ ra sai lầm trong chiến lược tăng giá vé máy bay để bù lỗ của các hãng hàng không trong nước: "Tôi thấy các hãng hàng không thấy người dân bắt đầu đi du lịch trở lại sau thời gian dài Covid-19 hoành hành, nên nghĩ rằng có thể tăng giá vé cao để bù lỗ cho thời gian trước. Nhưng đó là một sai lầm.

Khi tăng giá vé lên quá cao thì khách du lịch có xu hướng chuyển sang du lịch nước ngoài. Lúc đó, ngành hàng không vẫn bị thất thu mà còn kéo theo các ngành lưu trú, dịch vụ ăn uống du lịch, nhà hàng, khách sạn... sụt giảm theo. Trong khi đó, Thái Lan lại rất khôn ngoan khi có chiến lược "du lịch giá rẻ" vào thời điểm này để kích cầu. Thiết nghĩ, ngành du lịch Việt cũng cần thay đổi tư duy để đưa ra hướng đi phù hợp, đúng đắn nhất để giúp phát triển bền vững du lịch trong nước".

Hiệp hội doanh nghiệp hàng không giải thích, chi phí đầu vào như giá xăng hay tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh khiến giá vé máy bay phải tăng theo. Ngoài ra, chuyện cung cầu vào mùa cao điểm cũng khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé nhằm giải quyết bài toán doanh thu. Nói cách khác, các hãng hàng không cũng không có giải pháp nào khác ngoài việc tăng giá vé để bảo đảm sự sống còn của chính mình.

Không đồng tình với lời giải thích của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không, độc giả Quê Hà Nội cho rằng, vấn đề nằm ở việc thiếu liên kết trong cách làm du lịch ở ta: "Hàng không như một mắt xích đồng bộ vận hành trong guồng máy du lịch, mà chỉ cần trục trặc một khúc thôi cũng đủ làm các mắt xích khác chết theo. Phòng ốc, vận tải, dịch vụ, lưu niệm, ăn uống và hàng loạt các thứ khác sẽ bị ảnh hưởng.

Cách làm của hàng không hiện tại không vì cái chung của ngành, mà chỉ tính toán 'chặt khúc' theo nhóm. Khách du lịch không tiếc tiền, nhưng họ rất dị ứng khi biết mình bị thành "con mồi" ở bất cứ khâu nào. Rất chia sẻ với những ai đã đặt vé máy bay trước lúc này, liệu có giống chuyện mua hoa chiều 30 Tết không? Nói chung cách tư duy, cách làm du lịch kiểu tăng giá theo mùa vụ thì ở phân khúc nào cũng có. Nhưng vé máy bay là khâu đầu tiên của chuyến đi và nó sẽ quyết định để cả hệ thống".

Làm sao không cần tăng giá vé mà các hãng hàng không vẫn sống khỏe? Bạn đọc Nguyễn bình luận: "Thực tế buôn bán thì phải có lợi nhuận, không ai bán hàng lỗ vốn cả. Nên việc các hãng hàng không ở Việt Nam tăng giá vé khi doanh thu không đủ vốn, xét cho cùng cũng là dễ hiểu. Thế nhưng, tại sao các hãng hàng không giá rẻ ở Châu Âu vẫn sống khỏe mà không phải tăng giá vé?

Câu trả lời đó là học có sự hợp tác rất ăn ý giữa hàng không và doanh nghiệp nơi cần du khách đến. Nói rõ hơn, những doanh nghiệp liên quan đến du lịch địa phương sẵn sàng tài trợ cho các hãng hàng không trên số lượng du khách đến tham quan để hàng không có thể giảm phí vé máy bay, nhằm thu hút khách du lịch đến với họ. Như vậy, cả hai bên đều có lợi. Họ làm việc có bài bản ăn khớp với nhau để cùng nhau thắng lợi (win - win), chứ không như ta, người nào lo thân người đó".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả