Tăng gần 2% chỉ sau 2 tháng, nguyên nhân nào khiến tỷ giá 'nổi sóng' ngay từ đầu năm?
Tỷ giá USD bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian dài hạ nhiệt. Sau gần 2 tháng đầu năm, tỷ giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã tăng trên 1,7%, thậm chí tăng gần 2% trên thị trường tự do, cho thấy diễn biến tỷ giá khá khác biệt so với các năm trước.
Theo khảo sát của VnBusiness, tỷ giá USD biến động mạnh, tính đến phiên giao dịch ngày 27/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 24.014 đồng. Như vậy, so với phiên đầu tháng 2, tỷ giá trung tâm đã tăng 54 đồng và tăng tới 166 đồng/USD kể từ đầu năm đến nay. Cùng giai đoạn này vào các năm 2021 - 2023, tỷ giá trung tâm chỉ biến động trong biên độ hẹp hơn nhiều với mức tăng lần lượt 1 đồng/USD (năm 2022) và 30 đồng/USD (2023), thậm chí năm 2021 còn giảm 1 đồng.
Diễn biến "lạ" của tỷ giá USD/VND
Tại các ngân hàng, hiện giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.413 VND/USD, giá mua cao nhất là 24.530 VND/USD. Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 24.820 VND/USD, giá bán cao nhất là 24.935 VND/USD, tăng khoảng 500 đồng/USD so với đầu năm (tương ứng tăng khoảng trên 1,7%).
Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng bật tăng mạnh lên mức 25.300 đồng/USD, tăng gần 2% so với cuối năm 2023.
Hầu hết các chuyên gia và công ty phân tích thị trường đều nhận định diễn biến tỷ giá trong giai đoạn vừa qua khá khác biệt so với các năm trước, khi quý I thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, chuyên viên cao cấp tại Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng tỷ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên, bối cảnh của năm 2024 có nhiều khác biệt, đặc biệt là khi lãi suất chênh lệch giữa USD và VND đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua.
“Thị trường đánh giá Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không sớm hạ lãi suất như dự kiến hồi đầu năm nay. Qua đó, mức lãi suất USD dự kiến ở mức cao cho tới giữa năm và mức cắt giảm cũng không còn quá mạnh như các dự báo lạc quan trước đây khi giá cả hàng hóa đang đảo chiều tăng gây nên áp lực đến lạm phát tại Mỹ. Điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD âm sâu kéo dài”, bà Nga phân tích.
Bên cạnh đó, trong nước nhập khẩu liên tục hồi phục qua các tháng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và nhập khẩu xăng dầu. Tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 đạt gần 31 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 7/2022, riêng khu vực trong nước nhập khẩu hơn 11 tỷ USD (cao hơn 15% so với bình quân cả năm 2023).
Hơn nữa, các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại.
Cuối cùng là tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới. Tỷ giá USD/VND thị trường tự do liên tục tăng cao kể từ cuối năm ngoái, và hiện đang giao dịch quanh 25.300 đồng, duy trì mức chênh lệch lớn (khoảng 2,5%) so với tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với việc lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp đã tạo áp lực mất giá đối với VND.
Tỷ giá khó vượt đỉnh 24.875 VND/USD?
Các chuyên gia cho rằng, với mặt bằng lãi suất VND thấp kỷ lục (cả lãi suất tiền gửi và lãi suất liên ngân hàng) hiện nay và có thể tiếp tục trong thời gian tới khi nhu cầu vốn trong nền kinh tế chưa phục hồi ở mức cao, sẽ là một yếu tố tác động đến các kế hoạch kinh doanh vốn và ngoại hối tại các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn. Đi cùng đó là các nhu cầu ngoại tệ của khách hàng sẽ có thể tạo ra các biến động cung - cầu trên thị trường mang tính thời điểm.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo xác suất để tỷ giá có thể vượt đỉnh cũ (24.875 VND/USD) là khá thấp và NHNN hoàn toàn có đầy đủ các công cụ để kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh hiện tại.
Trước đó, NHNN cũng cho biết trong năm 2024 sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định "tỷ giá đang biến động trong biên độ cho phép và doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá". Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng dự báo, tỷ giá USD/VND có thể tăng lên quanh vùng 24.750 VND/USD, tương ứng với mức tăng 2% so với đầu năm.
Các nhà phân tích tại KBSV đánh giá chênh lệch lãi suất USD và VND và rủi ro tăng giá của đồng USD vẫn sẽ là 2 yếu tố rủi ro gây áp lực lên tỷ giá, đặc biệt khi rủi ro địa chính trị thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. KBSV dự báo tỷ giá tăng 1,5% trong năm nay, đạt mức 24.600 USD/VND.
Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong biên độ 2%. Trong khi đó, Ngân hàng UOB cho rằng nếu Fed chấm dứt lộ trình tăng lãi suất cùng nhiều yếu tố khác có thể giúp tỷ giá năm 2024 không những không tăng mà còn giảm so với năm 2023. Theo dự báo của UOB, tỷ giá vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong giai đoạn đầu năm 2024 nhưng giảm dần trong những quý cuối cùng của năm 2024, xuống mức 23.500 đồng/USD trong quý IV/2024.
Trong bối cảnh biến động tỷ giá hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ bảo hiểm để quản lý biến động tỷ giá trong tương lai với chi phí hợp lý, ví dụ hiện tại các doanh nghiệp mua kỳ hạn tỷ giá USD/VND với giá thấp hơn khá nhiều so với tỷ giá giao ngay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận