Tăng đột biến số người rút BHXH một lần: Tiêu "của để dành", "sướng trước khổ sau"?
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng người rút BHXH một lần đã tăng rất nhanh, khoảng gần 25%.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ là sự bảo vệ cho chính người đóng, mà còn là sự đảm bảo an sinh cho cả xã hội. Rút bảo hiểm một lần gia tăng nhanh là nguy cơ ảnh hưởng tới việc đảm bảo an sinh của cả cộng đồng nói chung. Tuy nhiên lựa chọn đóng hay không, rút hay nộp là của từng cá nhân khi cân nhắc các vấn đề được mất hay lợi ích.
Theo số liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố, cả nước có hơn 226.500 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 46.400 người so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội trong những năm tiếp theo.
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng người xin rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng tới gần 25%. Người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước. Độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.
Lựa chọn rút BHXH một lần
Rất khó khi coi bảo hiểm xã hội là một kênh đầu tư, đem so sánh với lãi gửi ngân hàng để cho rằng không được hưởng lợi bởi bảo hiểm có ý nghĩa đảm bảo cho người nộp được bảo vệ khi rủi ro, bất trắc, khi giảm hoặc không còn khả năng lao động, nhưng ở vị trí của người lao động, lựa chọn này đôi khi là lựa chọn duy nhất của họ.
Đi làm hơn 10 năm, sau khi sinh con và lĩnh bảo hiểm thất nghiệp, chị Thảo quyết định mở hàng bán đồ ăn sáng ở nhà và rút bảo hiểm xã hội một lần được hơn 46 triệu đồng. Dù đã được tư vấn chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng chị vẫn không thay đổi quyết định.
"Em không đi làm nữa thì rút về vì con nhỏ nên chồng bảo ở nhà. Em rút về thôi chứ em cũng không xác định đóng bảo hiểm nữa", chị Nguyễn Thị Phương Thảo, người rút BHXH một lần, cho biết.
Số người lĩnh bảo hiểm thất nghiệp đã tăng gấp 3 lần năm 202 ở thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên và như phần lớn số này sẽ tiếp tục rút nốt bảo hiểm xã hội một lần, tâm lý có được đồng nào tốt đồng đó.
"Hồ sơ đến đăng ký hưởng BHXH một lần tăng đột biến, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Đây là một bài toán, một cảnh báo đối với cơ quan bảo hiểm xã hội. Mặc dù chúng tôi đã cử cán bộ thường trực ở bộ phận tiếp nhận và quản lý hồ sơ đã tuyên truyền, vận động người lao động trở lại tham gia vào hệ thống an sinh, tuy nhiên lượng người quay trở lại tham gia đạt con số không đáng kể, chủ yếu là họ vẫn quyết tâm rút BHXH một lần", ông Nguyễn Hữu Công, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên, cho hay.
Một nguyên nhân nữa là do đại dịch kéo dài, nhiều lao động bị nghỉ việc, mất việc. Họ chỉ nhìn vào khoản BHXH đã đóng như khoản tiền còn sót lại, còn tương lai, chỗ dựa khi hết tuổi lao động thì mặc kệ.
Đề xuất điều kiện để giảm rút BHXH một lần
Trước thực tế gia tăng tình trạng rút BHXH một lần, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong đó có nội dung thắt chặt các điều kiện hưởng BHXH một lần.
Đáng chú ý nhất là đề xuất quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp; đề xuất quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Đồng thời, tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), điều kiện hưởng lương hưu sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15, hướng tới 10 năm.
Bảo hiểm xã hội tự bản thân cũng đã nói lên ý nghĩa bảo hiểm cho chính mình và cho xã hội, xảy ra tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ để lại những hệ lụy lớn cho người lao động và cho xã hội. Tuy nhiên nhưng muốn hạn chế điều này không thể chỉ làm bằng cách thắt chặt các quy định khó khăn hơn cho người lao động, mà quan trọng là phải cân bằng về quyền lợi của người đóng bảo hiểm để bảo hiểm xã hội là nhu cầu của chính người lao động.
Người lao động đăng ký nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Điều này ảnh hưởng tới người đóng bảo hiểm và cả hệ thống như thế nào?
Nhiều người cân nhắc quyền lợi khi đóng BHXH giữa một khoản tiền đóng hàng chục năm với lãi suất ngân hàng và thấy sự chênh lệch khá rõ ràng. Đây có phải nguyên nhân khiến tình trạng rút BHXH một lần tăng cao?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận