Tăng chi phí định mức trong giá xăng dầu kỳ điều hành tới
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến đề xuất trước đó của Bộ Tài chính trong báo cáo gửi Thủ tướng về rà soát, điều chỉnh chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính được giao theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Bộ Công Thương bám sát diễn biến thị trường để chủ động tính toán, xem xét và quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan, đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước, cũng như không để xảy ra trục lợi, buôn lậu...
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết trên cơ sở báo cáo của 28/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về chi phí trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính đã rà soát các khoản chi phí và lấy ý kiến Bộ Công Thương dự kiến phương án điều chỉnh. Bộ Công Thương đã cơ bản nhất trí việc áp dụng điều chỉnh chi phí này vào kỳ điều hành giá ngày 11-11 tới.
Từ sau khi chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam được điều chỉnh ngày 10-7, qua báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy các chi phí này tăng. Tăng cao nhất là xăng khoáng A92 pha chế xăng E5RON92 là 83%, RON95 là 78% và dầu diesel là 28%, dầu hỏa là 61%. Mức tăng này cũng có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp nhập khẩu (chỉ có 12 thương nhân đầu mối nhập khẩu).
Trên cơ sở đó, dự kiến điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ dao động từ gần 300 - 560 đồng với xăng và từ trên 150 - trên 650 đồng với các mặt hàng dầu. Như vậy, việc điều chỉnh tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về như trên, trong trường hợp các yếu tố đầu vào không thay đổi, thì sẽ tác động làm tăng giá cơ sở với tất cả các mặt hàng.
Trong đó, mặt hàng xăng E5RON92 và dầu diesel có mức tăng giá cơ sở thấp nhất là dưới 50 đồng/lít, xăng RON95 gần 150 đồng/lít và dầu hỏa có mức tăng cao nhất với trên 720 đồng/lít.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận