Tăng 50 bậc, Việt Nam đứng thứ 50 về Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã ban hành Báo cáo chỉ số an toàn thông tin toàn cầu năm 2018. Theo đó, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên 175 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá, tăng 50 bậc so với chỉ số năm 2017 và vượt 30 bậc so với mục tiêu ban đầu.
Phương pháp đánh giá xếp hạng Chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2018 vẫn giữ nguyên 25 chỉ số được phân thành các nhóm gắn với 5 trụ cột: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực và hợp tác.
Tuy nhiên, lần khảo sát thứ 3 này của ITU chỉ bao gồm 50 câu hỏi chính (so với 2017 là 153 câu hỏi), sử dụng trọng số khác với trọng số năm 2017 đối với mỗi câu trả lời, quyết định bởi một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.
Về cách thức đánh trọng số, khác với năm 2017, mỗi trụ cột được chia đều trọng số là 20%, đối với năm 2018, các trọng số được tính toán chi tiết hơn vào từng tiêu chí cụ thể.
Mỗi chỉ số được đánh giá, chia thành ba mức màu: Màu Đỏ – kết quả trong nhóm 33% điểm thấp nhất; màu Vàng – kết quả trong nhóm điểm từ 33% đến 65%; và màu Xanh - kết quả trong nhóm điểm từ 65% trở lên.
Về hành trình xếp hạng GCI của Việt Nam. Tại GCI 2014, Việt Nam đứng tại vị trí thứ 76 trong 196 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá. Năm 2017, Việt Nam xếp hạng thứ 100 trong số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá; xếp hạng thứ 23/39 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; và xếp hạng thứ 9/11 trong khu vực ASEAN, sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei, Indonesia, Lào và Myanmar.
Năm 2018, Việt Nam xếp thứ hạng 50 trên tổng số 157 xếp hạng, được xếp vào nhóm I trên 3 nhóm (là nhóm có độ cam kết cao đối với 5 trụ cột của GCI, xếp hạng từ 1 đến 51). Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia (so với năm 2017 là 9/11).
Đánh giá về kết quả của Việt Nam năm 2018, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, về số lượng các quốc gia trả lời, trên tổng số 194 quốc gia là thành viên của ITU, vào năm 2015 chỉ có 54% các quốc gia tham gia trả lời khảo sát; năm 2017 là 69% các quốc gia và năm 2018 là 80% các quốc gia tham gia khảo sát.
Như vậy có thể thấy kết quả của năm 2018 mang nghĩa thực chất hơn về mặt tương quan giữa các quốc gia, trong đó có kết quả của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á là hoàn toàn thực chất về mặt nội lực.
Còn đối với các đánh trọng số theo từng tiêu chí cụ thể của năm 2018, theo Cục An toàn thông tin, trọng số tập trung vào các tiêu chí liên quan tới (1) hành lang pháp lý; (2) chiến lược; (3) cơ cấu tổ chức. Các tiêu chí gắn với triển khai thực tế (chương trình, mô hình, sự kiện …) có trọng số thấp hơn từ 30% đến 50%.
Do cách thức khảo sát và đánh trọng số của GCI khác nhau đáng kể theo các năm, do đó để đảm bảo giữ vững vị trí xếp hạng trong Nhóm I, đồng thời tiếp tục nâng cao thứ hạng trong các năm tiếp theo nếu điều kiện cho phép, Cục An toàn thông tin cho biết mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng môi trường mạng an toàn.
Theo đó, cung cấp thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với ITU trong quá trình thu thập số liệu và đánh giá, xếp hạng GCI; Tổ chức xây dựng, hoàn thiện và triển khai mạnh mẽ các nội dung được ITU lấy làm tiêu chí đánh giá; đặc biệt là các nội dung có trọng số cao trong phương pháp đánh giá.
Cơ quan chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; từ đó góp phần bảo đảm an toàn thông tin quy mô quốc gia và nâng cao xếp hạng đánh giá đối với Việt Nam về an toàn thông tin của các tổ chức trên thế giới.
Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc, thực hiện việc xác định tần số radio trên toàn cầu, đưa ra các khuyến nghị và tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật điện thoại, điện tín và truyền thông dữ liệu, cung cấp các chương trình tư vấn và đào tạo cho các nước đang phát triển. Việt Nam đã gia nhập tổ chức này từ năm 1951.
Trong khi, Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 05 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác. Mục đích chính của chỉ số này là để phân loại, xếp thứ hạng và sau đó là đánh giá, dự báo, định hướng quá trình phát triển trong tầm khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận