Tân Ngoại trưởng mang phong cách 'chiến lang' của Trung Quốc
Tân Ngoại trưởng Tần Cương được mô tả là người "không né tránh", "không vòng vo", đại diện nổi bật cho phong cách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc.
Quốc hội Trung Quốc ngày 30/12 bổ nhiệm ông Tần Cương, 56 tuổi, người từng là đại sứ tại Mỹ, trở thành tân Ngoại trưởng nước này, thay thế người tiền nhiệm Vương Nghị, 69 tuổi. Ông Vương đã được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 20 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao.
Việc bổ nhiệm ông Tần diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục căng thẳng trước hàng loạt vấn đề từ nhân quyền, thương mại đến Hong Kong, Đài Loan.
Ông Tần được đánh giá là một phụ tá đáng tin cậy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Người đàn ông này giờ đây sẽ trở thành một trong những ngoại trưởng trẻ nhất lịch sử Trung Quốc.
Trên cương vị mới, ông sẽ đảm nhận nhiều công việc cấp bách trong lĩnh vực ngoại giao, từ quan hệ Mỹ - Trung đến hợp tác giữa Bắc Kinh và Moskva, Sun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, Mỹ, nhận xét.
"Ưu tiên hàng đầu của ông ấy sẽ là giúp cải thiện quan hệ với Washington, trong bối cảnh tâm lý chống Mỹ đang dâng cao ở trong nước và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến thăm Trung Quốc trong hai tuần nữa. Ông ấy cũng cần cải thiện quan hệ với các nước phát triển để giúp phục hồi kinh tế Trung Quốc. Sau đó, ông cũng cần xử lý mối quan hệ với Nga và Triều Tiên", Sun Yun nói.
Ông Tần đã là một gương mặt quen thuộc với người dân Trung Quốc và các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh. Với tư cách người phát ngôn và phó vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao từ năm 2005 đến 2010, cách trả lời quyết liệt của ông trước những câu hỏi từ các phóng viên nước ngoài đã được coi là nét đặc trưng cho chính sách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc.
Chính sách này đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó các binh sĩ quân đội nước này thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu. Đội quân "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới bàn đàm phán. Sự xuất hiện của đội quân này đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội ngũ ngoại giao thường nổi tiếng là thận trọng và kín kẽ của Bắc Kinh.
Ở quê nhà, khả năng xử lý những câu hỏi hóc búa của ông Tần đã nhận được tán thưởng, từ truyền thông Trung Quốc cho đến ngôi trường cũ của ông, Đại học Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh. Họ ca ngợi ông vì phong cách "không bao giờ vòng vo".
Ông ấy "không bao giờ lảng tránh bất cứ câu hỏi nào và thái độ cũng rất rõ ràng, thẳng thắn", Đại học Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh viết trên trang web của mình vào năm 2018, khi ông Tần được thăng chức thứ trưởng ngoại giao.
Ông Tần đã nêu rõ quan điểm của mình về ngoại giao trong một cuộc phỏng vấn năm 2013. "Ngoại giao là một công việc phức tạp và có hệ thống. Nó có thể cứng rắn pha thêm một chút mềm mại, hoặc mềm mại điểm xuyết cứng rắn", ông nói. "Nó cũng có thể vừa rắn vừa mềm. Khi thời gian và hoàn cảnh thay đổi, cả hai có thể chuyển hóa lẫn nhau".
Sau khi trở thành nhân viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1988, ông Tần ban đầu được biệt phái làm việc cho văn phòng Bắc Kinh của hãng thông tấn Mỹ United Press International trong một thời gian ngắn. Thời điểm đó, các hãng tin nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc không thể tuyển dụng trực tiếp công dân nước này, mà tiếp nhận nhân viên biệt phái của chính quyền sở tại.
Sau đó, với tư cách một nhà ngoại giao, ông đã trau dồi chuyên môn về các vấn đề Tây Âu, có hai kỳ công tác tại đại sứ quán Trung Quốc ở London vào những năm 2000.
Sự nghiệp của ông thăng hoa khi làm việc tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh. Từ năm 2014 đến 2018, ông đứng đầu Vụ Lễ tân, thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Tập trong các chuyến công du thế giới cũng như trong các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài.
Khi ông Tập thăm Mỹ hồi năm 2015, Tần Cương cho thấy ông là một người "sẵn sàng cứng rắn mà không do dự khi cảm thấy cần thiết", Ryan Hass, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.
"Ông Tần Cương rất chú ý đến việc lãnh đạo của ông ấy được thể hiện hình ảnh như thế nào, cũng như thông điệp mà hình ảnh đó sẽ truyền đi", Hass nói thêm.
Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng ngoại giao trước khi đảm nhận vai trò đại sứ Trung Quốc tại Mỹ vào mùa hè năm ngoái. Khác với gần như tất cả các đại sứ Trung Quốc tại Mỹ kể từ những năm 1980, ông Tần chưa có kinh nghiệm làm việc với Washington và cũng chưa từng được cử đến Mỹ làm nhiệm vụ trước đó.
Trong thời gian ngắn công tác tại Mỹ, ông đã đi khắp đất nước, thăm những người nông dân và trò chuyện với cả tỷ phú công nghệ Elon Musk. Khi đến Washington, ông đã duy trì một giọng điệu hòa giải, nói với các phóng viên rằng "cánh cửa quan hệ Mỹ - Trung vốn luôn mở, không hề đóng lại".
Ông cũng nhiều lần khẳng định rằng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc "không phải trò chơi mà kẻ thắng được tất".
Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh NPR của Mỹ hồi tháng một, ông thừa nhận "mối quan hệ quan trọng nhất" của Trung Quốc là với Mỹ. Nhưng khi được hỏi về vấn đề Đài Loan, ông gọi đây là "đốm lửa lớn nhất" trong quan hệ song phương.
"Nếu chính quyền Đài Loan, được Mỹ khuyến khích, tiếp tục đi theo con đường giành độc lập, rất có thể họ sẽ khiến Trung Quốc và Mỹ, hai nước lớn, bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự", ông cảnh báo.
Vũ Hoàng (Theo NPR)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận