24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lý Xuân Hải Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tản mạn: Quản lý - Tiền tệ - Tương lai gần

1. Quản lý:

Là việc xác lập mục tiêu, xây dựng chiến lược/chương trình hành động nhằm đạt mục tiêu và tổ chức thực hiện chiến lược/chương trình hành động thông qua việc phối hợp sử dụng các nguồn nhân lực và vật lực sẵn có như tài chính, tài nguyên thiên nhiên, công nghệ, tài sản, máy móc thiết bị.

Công cụ quản lý con người trong Doanh nghiệp, Tổ chức, Xã hội theo phong cách tác động được chia làm 2 loại: Công cụ trực tiếp và Công cụ gián tiếp.

a. Quản lý bằng công cụ trực tiếp (còn gọi là Biện pháp hành chính) là cầm tay chỉ việc, can thiệp trực tiếp bỏ qua quy trình và phân quyền, mệnh lệnh và thực hiện, dùng quyền lực cấp trên áp đặt, giám sát và đánh giá cấp dưới. Hành vi được định hướng và chế tài nặng để đảm bảo tuân thủ theo ý chí người quản lý. Quản lý dựa trên áp đặt, trừng phạt, xin cho, sợ hãi. Nặng về cây gậy. Mang hơi hướng độc tài, tập quyền.

Cách này dễ làm nhưng lạm dụng hay dùng lâu thì hiệu quả thấp, bộ máy ngày càng quan liêu, cồng kềnh, trì trệ, hình thức, thiếu sáng tạo và kém cạnh tranh.

b. Quản lý bằng công cụ gián tiếp (trong quản lý kinh tế gọi là công cụ thị trường) dựa trên cơ sở thấu hiểu và thuận theo quy luật tự nhiên, xu thế xã hội tạo ra lợi ích, phân quyền theo quy trình, đánh giá cân bằng dựa trên kết quả hoàn thành công việc, để mỗi người tự điều chỉnh hành vi vừa phù hợp lợi ích cá nhân vừa phù hợp mong muốn của người quản lý.

Công cụ gián tiếp muốn hiệu quả cần 6 tiêu chí: Chuẩn mực số liệu, Giải pháp khoa học, Lượng hoá, Dự báo, Minh bạch, tạo Cộng hưởng và Lợi ích.

Dữ liệu sai thì như thiết bị xét nghiệm hỏng hay bệnh nhân giấu bệnh, giấu triệu chứng: kê đơn sai bét - cái này gọi là Chuẩn mực số liệu.

Giải pháp khoa học là nắm kỹ thuật, công nghệ và hiểu bài học lịch sử để hành động phù hợp xu thế xã hội, quy luật khách quan… để xây dựng mô hình, đánh giá hiện trạng, dự báo tác động và điều chỉnh hợp lý liều lượng của chính sách.

Bất cứ thứ gì muốn được gọi là khoa học phải lượng hoá được, đo lường được và mô hình hoá diễn biến được. Chính sách không lượng hoá không khác gì kê đơn thuốc không liều, không lượng, không thời hạn. Cái này gọi là Lượng hoá chính sách.

Lượng hoá được sẽ giúp Mô hình hoá phục vụ việc lựa chọn công cụ. Có Mô hình hoá mới Dự báo được tác động chính sách để ra quyết định triển khai và Dự báo được các bước thực thi chính sách. Tính Dự báo của chính sách là điều kiện tiên quyết cho hiệu quả. Chính sách không có tính Dự báo không khác bịt mắt lái xe.

Mọi công cụ gián tiếp muốn hiệu quả phải tạo sức mạnh, đồng bộ và hợp lực toàn xã hội, tổ chức. Gọi là Cộng hưởng hay Cộng lực lực lượng.

Muốn vậy phải Công khai: Bệnh gì, liệu pháp gì, kê đơn gì bác sỹ phải công khai với bệnh nhân mới chữa bệnh hiệu quả được, trừ khi nan y “có gì ngon ăn đi!”- cái này gọi là Minh bạch chính sách.

Và cuối cùng là Lợi ích phải rõ ràng. Cá thích chỗ nước sâu, người thích chỗ ở tốt. Khi con đường dẫn đến đáp ứng việc thoả mãn các nhu cầu, lợi ích cá nhân rõ ràng, đầy đủ và thông thoáng… con người ta sẽ đi theo con đường đó chứ không chui vào bụi rậm. Kiểu vẽ đường cho hươu chạy.

Quản lý gián tiếp dựa trên tự do hành động, lựa chọn cá nhân, tự giám sát, tưởng thưởng, phân quyền đa chiều. Nặng về củ cà rốt. Mang hơi hướng dân chủ, phân quyền.

Cách này khó làm nhưng hiệu quả cao, bộ máy tinh gọn. Tuy nhiên trong khủng hoảng hay khi tái cơ cấu hay lúc cần thay đổi gấp tư duy sẽ khó hiệu quả.

c. Một bộ máy quản lý tốt là hài hoà cái gậy với củ cà rốt, công cụ trực tiếp và gián tiếp, tập quyền và phân quyền.

Phong cách gián tiếp có thể sử dụng lâu dài và tạo phát triển bền vững nên thường được các tổ chức phát triển lựa chọn làm cốt lõi chủ đạo.

Kinh nghiệm bản thân thế. Đúng sai mỗi người mỗi ý!

2.

Chức năng chính của Chính sách tiền tệ là quản lý lượng tiền trong lưu thông nhằm đảm bảo giá trị đồng tiền thông qua hai con số chính: lạm phát và tỷ giá.

a. Tiền trong lưu thông tỷ lệ thuận sức mua, là Cầu. Hàng hoá lưu thông thể hiện sức bán, là Cung. Biến động giá cả hàng hoá thể hiện tương quan Cung - Cầu hàng hoá với tiền tệ, mọi thị trường mọi nơi. Quy luật khách quan thị trường nó thế. Giá biến động theo quy luật của tương quan này.

Dùng biện pháp hành chính đẩy tăng giá với hàng hoá dư thừa hay kéo giảm giá với hàng hoá thiếu hụt… là nhiệm vụ bất khả thi. Bắt thị trường đi chệch quy luật thì thị trường sẽ tự điều chỉnh hợp quy luật ở chỗ “tối”: ai vào đó sẽ biết, biết rồi dễ chấp nhận vì nó thuận quy luật, nhưng quy luật thị trường chưa chắc trùng với pháp luật hành chính.

Bẫy chuột ở đấy đấy.

b. Tiền, phương tiện thanh toán và đơn vị đo lường giá cả, là một loại hàng hoá đặc biệt: tiền trao đổi được với tất cả các loại hàng hoá khác, bao gồm cả tiền nước khác. Giá của đồng tiền nước này đổi ra đồng tiền nước khác gọi là tỷ giá. Tỷ giá đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sức thu hút đầu tư của nền kinh tế và sức khoẻ nền tài chính.

Lãi suất là giá của tiền. Vì tiền cũng là hàng hoá nên tỷ giá cũng tuân thủ quy luật thị trường. Lãi suất và tỷ giá là hai mặt một bàn tay.

Nói về tỷ giá mà không ngó ngàng đến lãi suất là chả hiểu tí gì về tiền tệ.

c. Lạm phát, về cơ bản, là hiện tượng tiền tệ: xuất hiện khi tốc độ tăng tiền nhanh hơn hàng hoá (cầu kéo) dù có yếu tố cung đẩy. Siêu lạm phát là khi tốc độ tăng tiền quá nhanh làm tiền quá nhiều so với hàng. Nên quản lý lạm phát cũng cần phải bằng các công cụ tiền tệ. Nếu đúng liều, đúng lượng, đúng thời điểm… thì hiệu quả. Nên quản lý lạm phát không khó bằng quản lý tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bàn lạm phát mà bỏ qua yếu tố tiền tệ là tào lao.

Người càng nghèo bị tác động của lạm phát càng mạnh: họ không có cơ hội điều chỉnh danh mục tài sản khi thu nhập và tài sản tích luỹ chỉ vừa đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở tối thiểu hành ngày. Lạm phát làm họ đã nghèo lại nghèo thêm.

Người giàu có đệm dày chống sốc là danh mục tài sản đầu tư đa dạng, sẵn sàng tái cơ cấu và dồi dào thanh khoản nên nếu quản lý chủ động, phân bổ phù hợp với quy luật thì dù lạm phát vẫn sẽ giàu thêm.

Lạm phát làm bất bình đẳng xã hội tăng thêm là vì thế.

3.

Lạm phát chung chung không xấu không tốt: tốt nếu vừa đủ, không tốt nếu thiếu hay thừa. Xấu hay tốt, đủ hay thừa hay thiếu phụ thuộc từng nền kinh tế. Không những vậy lạm phát hợp lý kích thích đầu tư và cần chấp nhận lạm phát hợp lý mới tăng trưởng tốt được: lạm phát là phái sinh của tăng trưởng. Lạm phát hợp lý là GDP/I (I: Inflation -Lạm phát) ~1,15-1,5x. Cao quá cũng không tốt và chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng xài chưa hết.

Duy trì lạm phát hợp lý giúp tăng trưởng mạnh và lâu dài, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.

Siêu lạm phát, lạm phát cao thì luôn tồi tệ (GDP/I< 0.75). Nó đe doạ phá vỡ nền tảng xã hội do mức sống suy giảm, kinh tế mất bền vững và xã hội mất ổn định. Lạm phát ngược hay âm (giảm phát) cũng chả hay ho gì: Cầu không có. Tàn phá ghê gớm như nhau. Rất quan trọng đo I phải tương đối đúng: I đúng là khi phù hợp với giỏ hàng hoá của phần đông người dân.

Nên mới nói: cần quản lý lạm phát chứ không chống lạm phát. Chống là chống lạm phát cao và giảm phát kéo dài.

Mỗi cái chống lạm phát cao luôn làm chậm tăng trưởng. Nhưng phải chịu thôi. Lùi 1 bước để còn tiến nhiều bước.

Do vậy chống lạm phát cao, nhất là siêu lạm phát, luôn được ưu tiên No1 làm trước, làm nhanh. Để khoẻ mạnh chả bác sỹ nào khuyên chạy bộ, bơi khi đang sốt, nhất là sốt cao. Hạ sốt chống viêm xong đi đã.

4.

Chính sách tiền tệ phục vụ lợi ích riêng của mỗi quốc gia, trực tiếp ảnh hưởng đến quan hệ tiền-hàng trong phạm vi địa lý thị trường của quốc gia ấy. Vì vậy ảnh hưởng đến tương quan đồng tiền của mình so với đồng tiền của nền kinh tế khác trong bối cảnh tự do thương mại, hàng hoá.

Chính sách tiền tệ là vũ khí bảo vệ kinh tế, là biểu tượng chủ quyền quốc gia. Đánh vào đó là đe doạ chủ quyền an ninh kinh tế. Bởi chính sách Tiền tệ, tuy không trực tiếp tạo nên tăng trưởng - chính sách Tài khoá mới tạo ra tăng trưởng, là nền tảng và môi trường cho tăng trưởng. Nói theo ngôn ngữ võ thuật thì: Tiền tệ tạo thế, Tài khoá tạo lực. Chính sách tiền tệ, tài khoá cũng có trực tiếp và gián tiếp.

Thực hiện chính sách tiền tệ muốn hiệu quả cần phù hợp tương quan quy mô và độ mở của nền kinh tế, cấu trúc tài chính tiền tệ, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp, độ phụ thuộc của sản xuất, cơ cấu thu nhập và văn hoá tiêu dùng của dân cư v.v. và tầm nhìn dài hạn. Như Trung Quốc là ví dụ: phá giá gần 50% đồng NDT năm 1994 khi chưa hội nhập sâu rộng. Để đến tận thời ông Trump còn mắng vốn bắt Trung Quốc nâng giá NDT lên! Tất nhiên không đơn giản chỉ có thế nhưng cũng là case study.

Cuộc chiến tiền tệ là cuộc chiến dành vị thế đòi hỏi liên hoàn chước, đa mục tiêu, đa tác dụng, đồng bộ, trên diện rộng chứ không đơn phương. Nó không bí hiểm kiểu một số “nhà nghiên cứu” xây dựng theo thuyết âm mưu thô thiển doạ ma. Mà cũng chả đơn giản dễ dàng theo kiểu thích thì nâng, hạ giá trị đồng tiền là xong - dễ thế ai chả làm được.

a. Đến hôm nay chưa thấy một công cụ nào quản lý lạm phát hiệu quả hơn công cụ gián tiếp chính sách tiền tệ: tăng/giảm cung tiền kèm giảm/tăng lãi suất tác động trực tiếp đến chỉ số lạm phát. Miễn làm sao cho đồng bộ, đủ liều lượng và kịp thời để không phá huỷ nền tảng tăng trưởng dài hạn.

Các biện pháp tiền tệ thắt chặt luôn đau đớn và các chính trị gia hoặc dân tuý hoặc muốn ve vuốt kiếm phiếu nên tránh né nói toẹt ra khi áp dụng. Dốt thì khỏi nói.

Các biện pháp hành chính trực tiếp chống lạm phát đều kém hiệu quả, mang tính “xoa dầu cù là chống đau ruột thừa”.

b. Tỷ giá: Quản lý tỷ giá bằng công cụ gián tiếp chính sách tiền tệ khá hiệu quả. Tuy nhiên điều kiện cần là nền kinh tế khoẻ mạnh, NHTW đủ quyền lực độc lập và hệ thống NHTM thâm nhập đủ sâu vào nền kinh tế áp dụng mới nuột.

Để bổ trợ có thể phối hợp công cụ hành chính, tài khoá để bảo hộ và tạo rào cản như thuế, quota thương mại, hạn chế cung cầu, bảo hộ đầu tư và kiểm soát luân chuyển tiền tệ (nhất là với đồng tiền không tự do chuyển đổi và không tự do luân chuyển). Rào cản, bảo hộ dựng được thì tháo được nhưng dễ làm mất niềm tin nếu lạm dụng.

NHTW trực tiếp mua bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá thì cần cẩn trọng.

Mua ngoại tệ vào không cho ngoại tệ mất giá và tăng dự trữ ngoại hối không đáng ngại vì NHTW in được nội tệ và có cách hút nội tệ vào lại dễ dàng.

Bán thì khác. Với nền kinh tế mở, muốn ép không cho ngoại tệ lên giá bởi các nguyên nhân cơ bản, can thiệp bằng cách bán từ nguồn dự trữ ngoại hối không khác gì đổ rượu vào hang chuột. Tốn tiền vô ích.

Bán dự trữ ngoại hối nên như dùng vũ khí nguyên tử, chỉ để đe doạ là chính chứ đừng dùng lung tung: can thiệp khi và chỉ khi một phát ăn ngay.

c. Muốn quản lý lạm phát, tỷ giá hiệu quả thì chính sách tiền tệ phải đồng bộ với chính sách tài khoá. Hai chính sách này thuận nhau thì cộng lực; nghịch nhau sẽ gây tình trạng xoắn vỏ đỗ “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” vô hiệu hoá lẫn nhau. Như uống thuốc dạ dày mà vẫn rượu bia cafe trà thuốc ngập, thức khuya, ăn uống không kiêng khem.

Ví như muốn dòng tiền chảy hay không chảy vào lĩnh vực nào đó không thể cầm tay chỉ việc người cho vay hay cấm bằng mệnh lệnh hành chính kiểu mục đích giải ngân. Nước chảy chỗ trũng. Nơi nào trũng nước sẽ chảy vào bằng trăm ngàn đường trực tiếp gián tiếp dù dựng rào cản hành chính - hình sự đến đâu. Tiền cũng vậy: chảy vào lĩnh vực lợi ích tốt nhất. Chỗ trũng là lợi ích nhiều, hiệu quả cao. Thị trường mà.

Công cụ chính sách tài khoá chính là thứ tạo ra lợi ích: “vẽ kênh lợi ích cho tiền chảy”. Lạm dụng biện pháp hành chính là như mời nhau ăn bả chuột.

Cóp nhặt kiến thức vụn thế... Chả biết đúng hay sai!

5.

Con lốc lạm phát đang thổi bung nền kinh tế toàn cầu, nguy cơ biến thành bão.

Sâu xa bởi chính sách tiền tệ dễ dãi kéo dài. Một phần bởi chính sách dân tuý. Nhất là có vụ Nga - Ucraina: tội đồ đã có nên không thấy ai đổ lỗi cho hệ thống tài chính hay doanh nghiệp nữa. Các chính phủ thì dĩ nhiên là luôn luôn đúng rồi!

Từ đầu 2022 đến nay hơn 40 ngân hàng trung ương toàn cầu đã thực hiện biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ: giảm cung tiền và tăng lãi suất chống lạm phát.

a. FED đi đầu và tăng hai lần liền ở mức 0,75%. Sẵn sàng tăng tiếp như vậy lần 3. Thông tin tham khảo: USD đã tăng giá 20% so với rổ tiền tệ toàn cầu (The Economist). Sờ túi kiểm thanh khoản USD đi thôi.

b. ECB dân tuý sau thời gian ưỡn ẹo nước đôi đã phải tăng lãi suất EUR thêm mức lịch sử 0,75%. Không những vậy bà Chủ tịch ECB còn đánh tiếng “ECB có thể làm điều tương tự vài lần nữa" trong tương lai. Phải làm thôi khi lạm phát đã vượt 9% và đe đẩy EUR lao xuống hố sâu không gượng nổi. EUR lại ở trên mệnh giá USD.

c. Nhật Bản lạm phát chỉ khoảng 3% nên quyết không thay đổi chính sách tiền tệ dễ dãi: quyết giữ lãi suất thấp, bơm tiền nhưng chả tăng trưởng được mấy… như hàng chục năm nay vẫn thế. Dường như kinh tế Nhật lờn thuốc.

d. Thổ Nhĩ Kỳ không giống ai: đang siêu lạm phát lại giảm lãi suất… lạm phát vọt lên trên 80%. Chả hiểu cụ này theo môn phái võ nào!

e. Trung Quốc vẫn bí hiểm: đóng cửa duy trì Zero Covid và tiện thể cách ly lạm phát luôn, giữ ổn định chờ Đại hội thành công tốt đẹp ông Tập ở lại nhiệm kỳ 3 tính tiếp, đã qua giai đoạn lạm phát lần 1, bơm tiền nuôi kinh tế, âm thầm xử lý thị trường Bất động sản.

f. Nga: Qua lạm phát chuyển sang thiểu phát. Lãi suất giảm 6 lần liên tục vẫn chưa thấy đáy suy giảm. Sử dụng Liên minh Kinh tế Á Âu, SCO, BRICS, song phương với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Saudi Arab… để xoay trục thấy rõ là không dễ vì bản thân các nước này không tin nhau: Mâu thuẫn thì đối kháng, Lợi ích thì mù mờ, Cam kết thì lỏng lẻo. Còn cam go. Nhưng thành thì kinh đấy.

Nước Nga nhìn thấy phục hồi kinh tế chắc phải cuối thập kỷ này, nếu còn tồn tại.

Các nơi khác thì vẫn thế… như từ xưa đến nay.

6.

Vài dự báo:

a. 3 kịch bản kinh tế hạ cánh sau cú sốc: Mềm 50%; Cứng 49%; Toang 1%.

Thời điểm bắt đầu hạ cánh: sau tháng 6-9/2023. Khả năng cao 2024 mới xong.

b. Xử xong vụ lạm phát, tiền tệ sẽ lại tiếp tục nới lỏng vì động lực tăng trưởng mới chưa có. Kinh tế toàn cầu lại cắn doping để thấy mình khoẻ mạnh.

Do vậy cứ yên tâm không có gì phải hoảng loạn hết cả: Găm thanh khoản đủ cho 2 năm là ổn.

c. Thị trường tiền tệ sẽ phân mảng, sản xuất và chuỗi cung ứng “quốc gia hoá”, toàn cầu hoá cáo chung: Kinh tế bớt phẳng.

Chủ nghĩa dân tộc lên ngôi, giá trị mới áp đặt, chuẩn mực mới thiết lập: Xã hội bớt tự do.

Mặt bằng giá mới hình thành: Ví tiền bớt căng.

d. LHQ, HĐBA dần mất vai trò cân bằng lợi ích, đảm bảo an ninh toàn cầu. Trật tự thế giới rung lắc mạnh nhưng chưa đổ vỡ. Thế giới từ 3 cực thành lại 2 cực đối đầu… cũng là bối cảnh nước Mỹ - vẫn là No1 dù thế có giảm bớt - quen chinh chiến hơn.

e. Bắc Cực, Nam Cực nóng lên và Châu Phi bắt đầu rét. Va chạm Nga Trung Mỹ ở đây cũng kinh. Vụ này đáng lo đấy.

Dự báo cá nhân không nguồn… nằm nhà viết cho vui.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả