Tân Hiệp Phát: Từ 'ông trùm' đồ uống tới tham vọng bất động sản
Kiếm bộn từ mảng đồ uống, giới chủ Tân Hiệp Phát - với 'núi tiền' tích lũy được sau nhiều năm - đã mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, nổi bật là mảng bất động sản.
Tuổi Trẻ Online dẫn nguồn tin cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang điều tra, xác minh về hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế đối với bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát (Tân Hiệp Phát).
"Bà Trần Uyên Phương cùng một số cá nhân khác đã sử dụng tài liệu là các "hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" được công chứng viên chứng nhận, vào sổ công chứng tại Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ, quận 5, TP.HCM ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất.
Từ đó, cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên nhận chuyển nhượng là bà Trần Uyên Phương và bên chuyển nhượng là các cá nhân - chủ sử dụng đối với quyền sử dụng đất, thuộc các thửa đất tại phường Hiệp Bình Chánh, phường Long Trường và phường Bình Khánh, thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM, gây thất thu số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 5,48 tỉ đồng", tờ này viết.
Trước đó, hồi tháng 11/2020, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin cho biết, nhà chức trách đã nhận được đơn của Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Kim Oanh Đồng Nai), tố cáo các ông, bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và "trốn thuế", xảy ra tại CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Sinh năm 1981, bà Trần Uyên Thương là con gái của ông Trần Quí Thanh (SN 1953), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát (Tân Hiệp Phát).
'Ông trùm' đồ uống
Thành lập năm 1994, Tân Hiệp Phát là một trong những nhà sản xuất và kinh doanh nước giải khát hàng đầu Việt Nam.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Thanh không trực tiếp nắm giữ cổ phần ở nhiều thành viên Tân Hiệp Phát, thay vào đó là phu nhân Phạm Thị Nụ (SN 1957), cùng 2 người con gái là bà Trần Uyên Phương (SN 1981) và bà Trần Ngọc Bích (SN 1984).
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát (viết tắt: THP Group), thành lập từ tháng 10/1997, được xem là hạt nhân trong 'hệ sinh thái' Tân Hiệp Phát.
Cập nhật tại ngày 22/9/2022, THP Group có quy mô vốn điều lệ 276 tỉ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ đứng tên sở hữu 54,493% cổ phần; các bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích lần lượt sở hữu 29,384% và 16,123% vốn điều lệ.
Trước dịch Covid-19, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương đã mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Tân Hiệp Phát.
Cụ thể, doanh nghiệp vận hành nhà máy này ghi nhận doanh thu đạt 5.850,7 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554,4 tỉ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng ở mức 26,57%.
Tương tự, Number One Hà Nam trong năm 2019 cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.998,5 tỉ đồng, lãi thuần đạt 784,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận đạt mức 39,2%.
Thu được khoản lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm nhưng phần lớn trong số đó lại được phân phối cho gia đình ông Thanh.
Điều này đồng nghĩa nhà ông chủ Tân Hiệp Phát đang sở hữu ‘núi tiền’ khổng lồ và không quá lời nếu đánh giá rằng, các thành viên của gia đình này là những người sẵn tiền bậc nhất Việt Nam.
Tham vọng trong lĩnh vực bất động sản
Với 'điểm tựa' vững chắc trong lĩnh vực đồ uống, giới chủ Tân Hiệp Phát gây chú ý khi lấn sân sang những lĩnh vực được xem như phi truyền thống, gồm: bất động sản, truyền thông, công nghệ, mua bán nợ.
Tháng 6/2018, ông Thanh bất ngờ trở thành thành viên ban chấp hành câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM, với ý định dùng nguồn tiền dồi dào của mình hỗ trợ các thành viên thiếu vốn.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ 18-24/4/2019, bà Trần Uyên Phương cùng các thành viên trong gia đình đã thành lập tới 10 công ty bất động sản, với cùng quy mô vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến nay, hầu hết các pháp nhân bất động sản kể trên đều đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế.
Bà Trần Ngọc Bích cũng đã chi ra cả trăm tỉ đồng để tham gia đấu giá các khu đất có vị trí đắc địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, hình ảnh tại buổi đấu giá 4 lô 'đất vàng' gây rúng động ở Thủ Thiêm (TP.HCM) hồi tháng 12/2022 cũng ghi nhận sự tham gia của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh.
Giới chủ Tân Hiệp Phát còn thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC vào tháng 3/2018.
VNAMC có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỉ đồng, chia đều cho 2 cổ đông sáng lập là 2 ái nữ nhà Tân Hiệp Phát, trong đó, bà Bích đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Ngoài ra, Tân Hiệp Phát còn trở thành đối tác chiến lược với CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã CK: YEG).
Tháng 2/2020, bà Trần Uyên Phương đã mua gom vào lượng lớn cổ phần YEG, qua đó tăng mạnh tỉ lệ sở hữu từ 2,26% lên 21,61% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, tới năm 2021, hoạt động kinh doanh của YEG gặp nhiều khó khăn, bà Phương đã nhiều lần tiến hành bán ra lượng lớn cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận