Tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP: Doanh nghiệp FDI tối ưu hóa cơ hội tốt hơn
Khu vực doanh nghiệp FDI tận dụng hiệu quả hơn ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Doanh nghiệp FDI chủ động nắm bắt cơ hội
Kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỷ USD mỗi năm, nên da giày luôn nằm trong danh mục các ngành hàng kỳ vọng có cơ hội gia tăng xuất khẩu nhờ cú hích từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.
Sau chặng đường 2 năm CPTPP đi vào thực thi, những thông tin về tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp trong ngành này một lần nữa lại cho thấy sự vượt trội của khối doanh nghiệp FDI.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, qua khảo sát về CPTPP, có thể thấy, doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm đến lợi ích thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu. Họ xúc tiến liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài để gia tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế, từ đó mang về giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, tác động tích cực nhất của CPTPP đối với ngành da giày những năm qua là thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ là con số về xuất khẩu khi CPTPP có hiệu lực, mà ngay từ giai đoạn đàm phán, dòng vốn FDI đổ dồn vào Việt Nam đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành.
“CPTPP với những quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, yêu cầu xuất xứ nội khối cao hơn nhiều các FTA khác, đã thúc đẩy dịch chuyển vốn đầu tư từ các tập đoàn giày dép từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tới Việt Nam. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, ngành da giày đã nâng được tỷ lệ nội địa hóa từ 30% lên 55%”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Lefaso chia sẻ.
CPTPP đã thúc đẩy xuất khẩu của ngành da giày sang các nước đối tác trong khối tăng 15,1% ngay trong năm đầu tiên có hiệu lực với 2,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2020, do tác động của Covid-19, xuất khẩu da giày giảm 12%, đạt kim ngạch 1,84 tỷ USD.
Tuy nhiên, bà Xuân cũng thừa nhận, nếu nhìn sâu vào giá trị xuất khẩu của ngành, thì doanh nghiệp FDI đang tận dụng cơ hội từ CPTPP hiệu quả hơn doanh nghiệp nội rất nhiều. Lý do là, doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, tiềm lực mạnh nên dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn mà CPTPP đặt ra. Ngoài ra, sự chủ động tìm hiểu kỹ về các FTA để tối ưu hóa thời cơ từ hội nhập của các doanh nghiệp FDI cũng cao hơn doanh nghiệp nội.
Doanh nghiệp nội chậm chân đến bao giờ?
Theo Báo cáo Hai năm thực thi CPTPP của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan trong trường hợp có hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác trong CPTPP có sự khác biệt. Canada và Mexico cùng là thị trường mới, nhưng có tới 50% doanh nghiệp có lô hàng tận dụng được ưu đãi thuế quan tại Canada, trong khi chỉ hơn 25% doanh nghiệp làm được điều này tại thị trường Mexico.
Đáng lưu ý, tại 2 thị trường mới này, khối doanh nghiệp FDI và dân doanh đã khởi động để tận dụng được ưu đãi thuế quan đầu tiên, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước lại gần như chưa từng tận dụng được ưu đãi thuế.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) lý giải, doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi thuế quan, trước hết vì lý do “tích cực”, như thuế MNF đã về 0%, nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan theo mẫu CPTPP, hay đã sử dụng ưu đãi theo FTA khác. Nhưng lý do tiêu cực và đáng quan ngại hơn là doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ; vướng mắc về thủ tục hoặc lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ, thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết….
Điều gây tiếc nuối nhất được bà Trang nhấn mạnh là, 45% doanh nghiệp được hỏi cho hay, họ không biết gì về ưu đãi thuế theo CPTPP cho lô hàng của mình.
Ngoài ra, vẫn còn tới 80% doanh nghiệp nhà nước chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP vì “nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ”.
Do đó, Báo cáo của VCCI nhấn mạnh, sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất - kinh doanh là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thể chớp thời cơ từ CPTPP cũng như các FTA khác.
Mổ xẻ sâu hơn về con số tăng trưởng xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý: “Chúng ta vẫn hay nhấn mạnh quá nhiều đến xuất khẩu mà chưa quan tâm đến nhập khẩu. Nhập khẩu phải mang được hiệu ứng là tăng nội lực cho nền kinh tế, chứ không phải chỉ nhập khẩu nhiều để phục vụ xuất khẩu. Bởi hết năm 2020, 72% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc về khối FDI, trong khi năng lực các ngành sản xuất của Việt Nam chưa tăng được bao nhiêu”.
Theo bà Lan, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của khối doanh nghiệp FDI ngày càng cao là nhờ một lượng vốn FDI vào Việt Nam thông qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, tận dụng xuất xứ Việt Nam trong các FTA để xuất khẩu.
“Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn FDI lập nhà máy sản xuất, nhưng đều từ các nước đối tác ngoài CPTPP, chưa thu hút được vốn FDI trong CPTPP đổ vào sản xuất với mong muốn tạo thành chuỗi cung ứng mới”, bà Lan phân tích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận