Tận dụng cơ hội EVFTA: Doanh nghiệp phải “chuyển dịch” lên mức chuẩn
EVFTA và IPA đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU.
Khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0% thì tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt ở thị trường EU có thể lên tới 7-8%/năm.
Nhưng làm thế nào để tận dụng được những ưu đãi mà các FTA này mang lại thì dường như doanh nghiệp Việt vẫn còn lúng túng.TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, 2 FTA quan trọng mà Việt Nam vừa ký kết với Liên minh châu Âu (EU) tạo ra những áp lực cần thiết để doanh nghiệp phải tự nâng cấp mình, tạo sức cạnh tranh tốt hơn trong cuộc chơi thương mại với các nước EU.
Tăng tốc để thích nghi EVFTA
Tới đây, rất nhiều mặt hàng nếu như trước đây không có cửa cạnh tranh tại thị trường này thì nay có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ đến từ khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không chuyển dịch phương thức sản xuất từ cấp thấp sang cấp cao thì khó có thể cạnh tranh. Đơn cử như mặt hàng gạo, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ chấp nhận dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0%. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp phải sản xuất loại gạo cao cấp để phù hợp với thị trường EU. Đây không phải là điều dễ dàng gì đối với các doanh nghiệp Việt cho dù họ hoàn toàn có thể nhận thức được vấn đề này.
Hay như dệt may được xem là một trong những mặt hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Theo tính toán, riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May nhận định rằng, khi EVFTA được ký kết, mức thuế suất giảm xuống còn 0% thì tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt ở thị trường này có thể lên tới 7-8%/năm.
Nhưng không dễ dàng…
Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đưa mình lên mức chuẩn mới hơn đối với hàng hóa xuất khẩu để tương thích với thị trường EU, điều đó cũng có nghĩa người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa từ EU với giá cả hợp lý hơn.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ hiệp định này để tìm được điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp là học hỏi được nhiều trình độ cũng như năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất. “Khi xóa bỏ hàng rào thuế quan 100%, hàng hóa Việt Nam có thể vào được ngay EU nhưng rào cản kỹ thuật mới là điểm cần lưu ý”, bà Miriam Garcia Ferrer nhấn mạnh.
Đây cũng là điều mà VCCI đang hướng tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thời hậu EVFTA. VCCI đang phối hợp với EuroCham lên kế hoạch mở các khóa đào tạo, kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để triển khai cụ thể tới từng doanh nghiệp.
“Chỉ khi nắm rõ và hiểu về Hiệp định, về thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt mới có cơ sở để cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận