Tân Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ là ai?
Các ứng cử viên không phải người Đức, không phải người Pháp mà Berlin và Paris có thể đồng ý gồm có cựu Thống đốc NHTW Phần Lan Erkki Liikanen và người kế nhiệm của ông, Olli Rehn - ủy viên kinh tế của EU trong giai đoạn ở đỉnh cao khủng hoảng. Ngoài ra còn có Klaas Knot - Thống đốc NHTW Hà Lan...
Kể từ khi được thành lập vào năm 1998, việc bổ nhiệm Chủ tịch của NHTW châu Âu (ECB) đã bị chính trị chi phối. Đó là một cuộc cạnh tranh mang tính lịch sử giữa Pháp và Đức, đó là một cuộc đấu vì ảnh hưởng và quyền lực cũng như về tầm nhìn cho chính sách tiền tệ.
Phiên bản 2019 của cuộc đua cũng đang chứng tỏ là không khác biệt. Mặc dù phải tới tháng 10 thì nhiệm kỳ Chủ tịch ECB của ông Mario Draghi mới kết thúc. Thế nhưng cuộc đua vào vị trí này đã bắt đầu và ngày càng nóng hơn và cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Bởi đây là lần đầu tiên, vị trí Chủ tịch ECB sẽ được lựa chọn cùng lúc với các vị trí hàng đầu khác của Liên minh châu Âu (EU): Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Mặc dù về lý thuyết việc lựa chọn một ứng cử viên cho chức vụ này không nhất thiết ảnh hưởng đến quyết định đối với những vị trí khác, nhưng các quan chức EU thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên đã quyết định về những chức vụ này một cách tổng thể.
Theo luật, EU phải phân chia các công việc hàng đầu của mình một cách hài hòa giữa các quốc gia và khu vực trong khối. Ở cấp độ cơ bản nhất, điều này có nghĩa là càng giao nhiều việc làm cho nhóm các nước (chủ yếu) nằm ở phía Bắc do Đức đứng đầu sẽ càng thúc đẩy trách nhiệm tài chính đối với các quốc gia phía nam, bao gồm cả Pháp. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều cuộc mặc cả đang diễn ra.
“Những thách thức mà khu vực đồng euro sẽ phải đối mặt trong vài năm tới - nguy cơ ngày càng lớn về một cuộc suy thoái tiếp theo, có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ở Ý - điều đó có nghĩa là thực sự cần một người tốt nhất cho công việc”, Christian Odendahl - nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Cải cách châu Âu tại Berlin cho biết. “Tuy nhiên, công việc mang tính chính trị hơn bao giờ hết, vì vậy tôi không chắc người đó sẽ được chọn”.
Chẳng hạn mặc dù Chủ tịch BundesbankJens Weidmann - một người có quan điểm quyết liệt mà nhiều quan chức EU nói là một trong những ứng cử viên hàng đầu để thay thế ông Draghi. Thế nhưng chưa chắc ông này đã được chọn nếu bà Merkel đã cố gắng “đẩy” một người Đức, thậm chí một người không phải người Đức song được Berlin ủng hộ, trở thành người đứng đầu EC.
Thật không may cho Weidmann, Manfred Weber - một chính trị gia liên minh trong Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel đang là một sự lựa chọn ưa thích của bà Merkel cho chức vụ Chủ tịch EC. Các ứng viên tiếp theo là François Villeroy de Galhau - Thống đốc NHTW Pháp hoặc thành viên Ban điều hành ECB của Pháp Benoit Coeure.
Nhưng mọi việc lại không hề đơn giản. Weber không phải là một ứng cử viên nặng ký và tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU hồi tháng Năm ông không nhận được sự ủng hộ của đa số. Sự thất bại của Weber có thể dẫn đến việc lựa chọn một nhân vật được Macron hậu thuẫn nhận cho chức vụ Chủ tịch EC - có lẽ là ông Michel Barnier, điều phối viên Brexit của EU; hay Margrethe Vestager người Đan Mạch của Đảng Dân chủ tự do. Nếu một trong hai ứng cử viên này được lựa chọn cho chức vụ Chủ tịch EC, thì Weidmann lại trở thành lựa chọn sáng giá cho vai trò lãnh đạo ECB.
Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, người Đức chưa bao giờ giữ chức Chủ tịch ECB. Đó cũng là một lợi thế của Weidmann. “Nếu người Đức thực sự muốn nó và họ nỗ lực hết mình để đạt được nó, họ sẽ có được nó”, Tim Jones - một người phân tích tại Công ty tư vấn chính sách Medley Global Advisors ở London cho biết. “Nhưng câu hỏi đặt ra là người Đức có thực sự muốn nó không?”.
Các quan chức EU có kiến thức về các cuộc thảo luận về các lựa chọn nói rằng họ không bị thuyết phục. Mặc dù Chính phủ Đức thường phát biểu rất mạnh bạo, nhưng đằng sau hậu trường, các nhà ngoại giao của họ ít kiên quyết hơn rất nhiều. Trong các cuộc họp riêng, họ đã nói về cơ hội của Coeure, đó có thể là một sự đánh lạc hướng đối với người Pháp hoặc là dấu hiệu cho thấy Merkel có những ưu tiên khác.
Các quan chức EU này cũng không tin rằng Macron muốn chức Chủ tịch ECB, thay vào đó việc có được vị trí hàng đầu trong EC sẽ tạo cho ông ta một vị thế tốt hơn để thay đổi các chính sách của EU.
Đức luôn có xu hướng lãnh đạo trong bóng tối bằng cách đặt các công chức của mình vào các vị trí có ảnh hưởng hơn là để người dân của họ bị chú ý. Đó là lý do tại sao Weidmann có thể bị Merkel hy sinh, các quan chức nói, đặc biệt là khi Pháp đưa ra phương án có lợi, chẳng hạn như kế hoạch trao cho khu vực đồng euro một khoản tiền tập trung lớn, có thể được sử dụng để chống lại các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai; hoặc các quy tắc hạn chế nợ công và thâm hụt ngân sách. Đức thậm chí có thể đề xuất một ứng cử viên cho chức vụ Chủ tịch ECB khác chứ không phải là Weidmann. Một cái tên được đề cập là Klaus Regling - người đứng đầu quỹ cứu trợ của khu vực đồng euro, người có kinh nghiệm về chính sách của châu Âu.
Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn của EU đã bắt đầu bày tỏ sự thất vọng ở Brussels khi bị gạt ra ngoài cuộc đua, các quan chức nói. Các ứng cử viên không phải người Đức, không phải người Pháp mà Berlin và Paris có thể đồng ý gồm có cựu Thống đốc NHTW Phần Lan Erkki Liikanen và người kế nhiệm của ông, Olli Rehn - ủy viên kinh tế của EU trong giai đoạn ở đỉnh cao khủng hoảng. Ngoài ra còn có Klaas Knot - Thống đốc NHTW Hà Lan. Mặc dù EU luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, song không có ứng viên nào là phụ nữ.
Được biết, Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20 và 21/6, nhưng các quan chức EU cảnh báo rằng một giải pháp có thể đã có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận