Tân Cảng - Cát Lái "hạ nhiệt", vẫn lo hiệu ứng "domino" dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Việt Nam
Hiện hàng tồn tại Cát Lái đã hạ nhiệt, khoảng 85%. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, cần sự chung sức của các cảng, hãng tàu, đảm bảo các mắt xích trọng yếu của hoạt động logistics thông suốt...
Trước tình trạng “đứng ngồi không yên” của hàng loạt hàng tàu như SITC (Thượng Hải), RCL... và nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước về tình cảnh tắc nghẽn tại cảng Cát Lát những ngày qua, chiều ngày 10/8, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tổ chức tổ chức hội thảo “Đảm bảo hàng hoá thông suốt qua cảng”, nhằm cập nhật tình hình hoạt động các cảng khu vực phía Nam cũng như các chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
DOANH NGHIỆP ĐÌNH TRỆ, CẢNG BIỂN TẮC NGHẼN
Công ty Thương mại quốc tế Shanghai Sophia - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, xuất khẩu chuối từ Việt Nam, Nam Phi và Philippines sang Trung Quốc, cho biết mục tiêu xuất khẩu 180-200 container/tuần của doanh nghiệp đã bị "bẻ gãy" bởi Covid -19.
“Dịch bệnh tác động bất lợi đến công ty. Nhiều hãng tàu huỷ cập cảng hoặc thay đổi lịch tàu không đúng như kế hoạch gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp”, đại diện Shanghai Sophia lo lắng.
Đồng thời, do phải thay đổi cảng ICD, quãng đường vận chuyển xa hơn, chi phí phát sinh gia tăng, vì vậy, doanh nghiệp này đề nghị Tân Cảng Sài Gòn có chính sách hỗ trợ với khách hàng nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Các chuỗi mắt xích sản xuất giảm công suất hoặc ngừng hoạt động, chắc chắn ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động các ICD, các cảng”, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn lo ngại.
Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn tại cảng biển không chỉ "nóng" tại Việt Nam. Cập nhật thông tin từ SeaExplorer, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện đang có đến 360 tàu đang trong tình trạng chờ cầu ở các cảng trên thế giới, 110 cảng đang trong trạng thái cảnh báo sự cố tắc nghẽn toàn cầu.
Chẳng hạn, khu vực cầu cảng quốc tế Diêm Điền (Yantian), một trong những cảng quan trọng nhất của Thâm Quyến, Trung Quốc, cũng phải ngừng hoạt động một phần vào tháng 6/2021, khiến thời gian đợi "ăn hàng" ngoài khơi của nhiều tàu thuyền bị kéo dài, từ đó làm biến động chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ vậy, theo ông Trương Tấn Lộc, khảo sát các khách hàng của Tân Cảng Sài Gòn cho thấy, có tới 79,5% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó, 13% nhà máy đóng cửa không sản xuất và 66,5% giảm công suất hoặc ngưng sản xuất.
GIẢI CỨU TRƯỚC MẮT, NHƯNG CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Trước lo lắng của chủ tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, sau khi các cơ quan quản lý cấp bách đưa ra các giải pháp tháo gỡ, đồng thời, các hãng tàu chủ động điều chỉnh lịch tàu, tình hình cầu bến Cát Lái đã trở lại bình thường.
"Lượng hàng tồn tại Cát Lái giảm còn 85%, không còn căng thẳng như thời gian trước. Tình hình cầu bến bình thường, tàu bè thông suốt, không phải chờ đợi. Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vaccine, ưu tiên các địa phương ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh".
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.
Để ứng phó với tình hình cấp bách trước mắt, để cảng Tân Cảng - Cát Lái nói riêng cũng như các cơ sở dịch vụ khác duy trì hoạt động sản xuất thông suốt, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đứt gãy, Cục hàng hải Việt Nam đã sớm chủ trì cuộc họp cùng các doanh nghiệp cảng, hãng tàu và khách hàng để bàn về các nhóm giải pháp đảm bảo hoạt động cho Tân Cảng - Cát Lái.
Đồng thời, Tổng Cục Hải quan Việt Nam đã có công văn hỏa tốc số 3847/TCHQ-GSQL ban hành ngày 02/08/2021 hướng dẫn thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid 19.
Tiếp đó, ngày 05/08 vừa qua, Tân Cảng Sài Gòn ban hành TB số 2551/TB-TCg có hiệu lực từ ngày 07/08/2021 về các nhóm giải pháp tiến hành song song cùng chính sách ưu đãi cho khách hàng, nhằm đảm bảo, duy trì hoạt động sản xuất thông suốt tại cảng Tân Cảng - Cát Lái và các cơ sở trực thuộc Tân Cảng Sài Gòn, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trường hợp khách hàng đăng ký dịch vụ chuyển cảng do Tân Cảng Sài Gòn cung cấp đối với container hàng khô thông thường tồn bãi trên 15 ngày tính tới thời điểm đăng ký, khi năng lực đáp ứng được, Tân Cảng Sài Gòn sẽ hỗ trợ miễn phí vận chuyển và nâng hạ hai đầu, không bao gồm thủ tục sửa bản kê khai hàng hóa (manifest), vận đơn đổi cảng đích về 1 trong 4 cơ sở cảng/ICD thuộc Tân Cảng Sài Gòn. Đó là, ICD Tân Cảng - Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch, ICD Tân Cảng - Sóng Thần, cảng Tân Cảng- Hiệp Phước.
Điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài cảng để có thêm chỗ chứa container hàng nhập. Toàn bộ chi phí vận chuyển do Tân Cảng Sài Gòn chi trả.
Sau khi đã thực hiện các giải pháp đồng bộ trên, nhưng tình hình tồn bãi vẫn tiếp tục tăng thì cảng sẽ định lượng giảm tỷ lệ hàng nhập cho các hãng tàu tùy theo tình hình thực tế.
Trong trường hợp tình hình xấu hơn, theo ông Bùi Văn Quỳ, Tân Cảng Sài Gòn sẽ chủ động ký hợp đồng với cảng bạn trong khu vực TP. HCM. Trong trường hợp Cát Lái không có cầu bến, tàu phải chờ đợi, sẽ đưa tàu sang các cảng bạn để xếp dỡ, sau đó, giao hàng cho khách hàng.
Trong văn bản gần đây của Bộ Công Thương, Bộ này cũng lo ngại nếu tình trạng này kéo dài, có thể lây lan sang các cảng khác như: Cái Mép, Hải Phòng... Từ đó, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh, giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng.
Theo ông Trương Tấn Lộc, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, Tân Cảng Sài Gòn thực hiện các biện pháp căn cơ và dài hơi hơn. Cụ thể, phối hợp với các cảng khác trong khu vực TP. HCM, tăng năng lực nạo vét cầu bến, tăng tỷ lệ giao nhận trực tiếp. Đối với Tân Cảng Cát Lái, về dài hạn, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển các dịch vụ phụ trợ ra ngoài, tăng năng suất tiếp nhận tàu, tiếp nhận hàng, số hoá quy trình giao nhận. Đồng thời, kết nối các cảng như Long Bình, Cái Mép, các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long… đang và đã triển khai một cách quyết liệt.
Bởi nếu các hãng tàu điều chỉnh tuyến dịch vụ, cắt bỏ chuyến, bớt tàu về Việt Nam, hàng hoá sẽ tăng giá, thiếu contaner, không duy trì được chuỗi cung ứng thông suốt".
Với sự chỉ đạo và tích cực tháo gỡ của các Bộ ngành liên quan, nhất là Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải Quan, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, các sở ban ngành của TP. HCM và các tỉnh phía Nam, sự chung tay chia sẻ khó khăn của các Hãng tàu, khách hàng, bước đầu các nhóm giải pháp đã phát huy tác dụng. Hiện lượng container nhập tàu vào Tân Cảng – Cát Lái đang có mức giảm rõ rệt.
Nếu như trong ngày 3/8, lượng hàng tồn toàn cảng là gần 108.800 TEUs, chiếm 87,7% thì ngày 4/8, lượng hàng tồn giảm còn hơn 106.700 TEUs, chiếm 85,1%. Bãi cảng cũng đã bớt căng thẳng, việc giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất được thuận lợi và tốc độ giải phóng tàu nhanh hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận