"Tâm tư" doanh nhân trước thềm Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”
Trước thềm Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”, nhiều doanh nhân đã trải lòng và bày tỏ kỳ vọng vào sự kiện lớn này.
Sáng nay, 9/5, sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”. Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Giới doanh nhân-doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện này.
Chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với quy mô lớn chưa từng có này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn-kỳ vọng khi nêu ra một số điểm cần quan tâm: Thứ nhất, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19, là chuyện Chính phủ đã biết. Chắc hẳn, cộng đồng doanh nghiệp – các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ không tìm đến để “kêu nghèo-kể khổ”.
Thứ 2, đây là thời điểm để không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà toàn xã hội phát huy tinh thần “có chí thì nên” của dân tộc Việt Nam. Vậy nên, hội nghị được nhận định sẽ là sự góp mặt của những nhà toán học – cùng nhau giải bài toán phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19, tiếp cận bền vững với bối cảnh kinh tế mới. Trên thực tế, tinh thần này cũng đã “thấm” tới nhiều doanh nhân-doanh nghiệp.
Cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính... là những mong muốn của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Nguyễn Văn Thân
Những kết quả đạt được nhờ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nhiều năm qua là rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp đã bớt nhiều khó khăn để vững bước trên con đường làm ăn chân chính. Khách quan nhận định, việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập và vẫn còn nhiều dư địa để tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thu lại hiệu quả cao hơn.
Đã gọi là đồng hành cùng doanh nghiệp thì Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương cũng cần "nhìn thẳng" và đối diện với thực tế khách quan; cần có những quyết sách thiết thực và hữu ích hơn để tập trung xây dựng, kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, công khai và minh bạch, thực hiện một thể chế kinh tế thị trường đúng nghĩa và thực chất. Có như vậy mới giúp thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và trở thành quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn, nhiều sức hút.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Bà Trương Thị Chí Bình
Chính phủ đã có một số chính sách kịp thời được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, liên quan đến các ưu đãi về giãn giảm thuế, phí, lãi suất vay… như Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, các cơ quan thuế cần triển khai và có hướng dẫn chủ động cho doanh nghiệp. Theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp hội viên đều chưa biết thực hiện các thủ tục này như thế nào.
Đặc biệt, dòng tiền của doanh nghiệp sản xuất đang mất cân đối nghiêm trọng. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét hỗ trợ miễn, giảm và giãn các khoản thuế phí khác, như thuế môi trường, thuế xuất nhập khẩu, các loại thuế phí cho mỗi lĩnh vực. Đề nghị cho doanh nghiệp đã mua thiết bị mới mở rộng sản xuất được miễn nộp thuế VAT ngay, thay vì hoàn sau như hiện nay...
Đồng thời Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất đối với những khoản vay cho mục đích cụ thể, như trả lương, mua nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào để duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh.
Doanh nhân Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Ông Lê Viết Hải
Nếu chỉ nêu khó khăn mà không có giải pháp thì có lẽ Chính phủ không cần đến hội nghị. Vì thế tôi nghĩ, các doanh nghiệp cần đóng góp ý kiến một cách thiết thực, là những giải pháp có tính khả thi cao để Chính phủ có thể triển khai thực hiện, khôi phục hiệu quả-nhanh nền kinh tế. Nên là những giải pháp có thể khai thác được những sự thay đổi do đại dịch mang đến, một trật tự kinh tế mới chẳng hạn. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng.
Ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Huân
Sự kiện lần này giống như cuộc gặp mặt một đại gia đình. Một gia đình đông con mà từ anh cả, anh hai đến các em lớn-nhỏ đều kêu khóc, cha mẹ sẽ chọn ai, cứu ai? Các con đều đã nỗ lực hết chưa - đó mới là kỳ vọng của cha mẹ.
Sự kiện không chỉ là nguồn động viên. Cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng đồng hành, thế nào cũng tìm giải pháp. Cá nhân tôi cho là chúng ta cần tìm cách mở cửa. Càng ngày chúng ta càng hội nhập, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, liên kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài mở cửa chậm ngày nào thì sẽ ảnh hưởng ngày đấy. Tôi hiểu là rất khó khăn, nếu bây giờ mà mở cửa toàn diện mất kiểm soát thì đó là một rủi ro rất lớn, nhưng tìm giải pháp mở cửa được càng sớm càng tốt. Vấn đề thứ hai là quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện tiếp cận nguồn vốn, bởi khi doanh nghiệp quay trở lại và bắt đầu tái đầu tư, thì cần có những cách tiếp cận các nguồn vốn một cách linh hoạt. Khi đó phải có sự năng động, chủ động của từng doanh nghiệp: chủ động tiếp cận với nguồn vốn từ bên ngoài, đổi mới sáng tạo nội bộ, cơ cấu lại”.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết
Lúc này, doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách để có thể hoạt động một cách thuận lợi nhất. Nhiều người nói doanh nghiệp này đi, sẽ có doanh nghiệp khác lớn lên. Nhưng tại sao chúng ta không hành động để các doanh nghiệp tốt, có tiềm lực đều có cơ hội lớn lên, tốt hơn lên.
Đơn cử, một dự án đầu tư chục ngàn tỷ đồng, với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, tiềm lực, có thể làm nhanh trong 11 - 12 tháng, hãy tạo điều kiện, tháo gỡ mọi nút thắt để doanh nghiệp hoàn tất.
Các cấp chính quyền có thể nhìn vào viễn cảnh khi dự án chạy, nhà thầu có việc, người lao động có việc, dòng tiền chuyển động... để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mọi hoạt động một cách nhanh nhất. Giải pháp cấp bách, kiến nghị giảm thuế, phí để khuyến khích người dân đi đường hàng không.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Eurowindow, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ
Ông Nguyễn Cảnh Hồng
COVID-19 đã đem lại cho chúng ta cơ hội suy nghĩ lại, nhìn nhận tương lai mới. Doanh nghiệp cũng phải giải được con virus sợ hãi, xác định hành động để phải có mặt trong thế giới sau phục hưng. Chúng tôi sẽ có những khuyến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, với 3 vấn đề chính.
Một là, Chính phủ cần hành động quyết liệt để chống suy thoái doanh nghiệp, chống mất việc làm bên cạnh chống dịch.
Hai là, cần áp dụng hành động như thời chiến, để có thể tháo gỡ các vướng mắc cụ thể mà các quy định bình thường không giải tỏa được.
Ba là, ổn định tâm lý xã hội, nhanh chóng đưa cuộc sống trở về giai đoạn bình thường.
Đặc biệt, chúng tôi đề xuất với Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế, với sự tham gia của các doanh nghiệp...
Trên tinh thần cần sự chung tay, nỗ lực của tất cả các bên, điều quan trọng, cần kíp nhất trong bối cảnh vực dậy sản xuất kinh doanh hậu dịch hay thúc đẩy sự phát triển bền vững của của toàn nền kinh tế, vẫn là câu chuyện cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cho tinh giản hơn nữa, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nhân, doanh nghiệp.
Đây cũng là tín hiệu mạnh nhất mà giới truyền thông ghi nhận được từ giới doanh nhân - doanh nghiệp những ngày này, hy vọng gửi đến toàn thể Hội nghị, gửi đến Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và chờ đợi vào những quyết sách vừa khẩn trương-vừa thiết thực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận