Tạm thời rời xa nhà vua
Ngày này năm trước là thời kỳ hoàng kim của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành được giới mộ điệu chiếu bạc dành tặng danh xưng vô cùng mỹ miễu - nhóm cổ phiếu vua. Không ngoa thì nhóm cổ phiếu ngân hàng được coi trọng như vậy bởi vị thế chiếm gần ⅓ vốn hoá toàn thị trường chứng khoán, thanh khoản lúc cao điểm có khi lên tới 40% thị trường. Cứ gọi là nhà nhà cổ phiếu ngân hàng, người người cổ phiếu vua.
Ấy vậy mà chỉ sau một mùa quýt, gió bất ngờ đổi chiều, những vị vua không ngai trở thành gánh nặng trong danh mục đầu tư và không sớm thì muộn sẽ là đứa con ghẻ của nhà đầu tư, không hơn không kém. Rất nhiều cổ phiếu ngân hàng đã và sẽ gãy mức hỗ trợ trung hạn, bục đáy 1 năm để rồi chìm dần vào quên lãng. Một sự thật đáng buồn khó tránh khỏi.
Nguồn cơn sự đau khổ có lẽ bắt nguồn từ việc khởi tố ông chủ tập đoàn bất động sản Tân Hoàng Minh về tội lừa đảo phát hành trái phiếu trị giá 10.000 tỉ. Con số trên chẳng thấm vào đâu so với quy mô hàng trăm triệu tỉ của hệ thống ngân hàng nhưng đôi khi nó là chất xúc tác, một mồi lửa thổi bùng đám cháy.
Nói một cách dễ hiểu, hàng trăm ngàn tỉ trái phiếu bất động sản phát hành vô tội vạ, không hoặc rất ít tài sản đảm bảo góp phần tạo ra cơn sốt bất động sản trên toàn cõi Việt Nam. Chỉ một phần trong số trái phiếu kia rơi vào trạng thái vỡ nợ sẽ tạo ra hệ luỵ vô cùng lớn tới nền kinh tế nước nhà. Minh chứng rõ nét là quả bom nợ 300 tỉ USD mang tên Evergrande tác động rất xấu bên xứ Tung Của.
Cũng vì thế, Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để hạn chế những hậu quả tiềm tàng trong tương lai bằng cách siết lại hoạt động cho vay lĩnh vực đầu cơ bất động sản, phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp yếu kém…
Cho vay liên quan tới bất động sản luôn chiếm tỉ trọng tương đối cao trong hệ thống ngân hàng thành ra tác động tiêu cực dù ít hay nhiều là tất yếu. Đen đủi nhất chính là Techcombank (TCB) vốn gắn liền với hoạt động cho vay mua nhà của ông lớn Vingroup, SunGroup… Ngoài ra, tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp mang lại kha khá lợi nhuận cho TCB cũng đang bị siết lại.
Chưa cần biết tiêu cực đến đâu, tác động bao nhiêu nhưng chỉ cần tin ra là bán, bán trước tính sau là cách hành xử của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Cũng vì thế mà TCB đang tích lũy ổn định suốt một năm dài quanh vùng 50-55 bất ngờ đổ đèo về mức 45 và đang tiến dần tới vùng giá quanh 40.
TCB luôn được giới đầu tư ưu ái coi là một trong những ngân hàng tốt nhất trong hệ thống mà giá cổ phiếu bất ngờ lao dốc thì tất nhiên nhóm cổ phiếu vua cũng không thoát khỏi số phận. Trạng thái lúc này chỉ đơn giản là ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây. Cổ phiếu cả nhóm ngân hàng xấu trong ngắn hạn và xu thế trung hạn đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Công bằng mà nói, siết cho vay bất động sản chỉ là một phần của sự tiêu cực đối với ngân hàng. Một phần khác đến từ việc lãi suất huy động đang tăng trở lại sau khi về mức rất thấp do đại dịch khiến đã chi phí vốn tăng lên trong khi ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay vì thế NIM (biên lợi nhuận) sẽ bị suy giảm.
Cùng với đó, nợ xấu do đại dịch mặc dù được các ngân hàng trích lập dự phòng quyết liệt nhưng vẫn còn tiềm ẩn, chưa thể hoàn toàn xử lý trong ngắn hạn. Áp lực trích lập dự phòng nợ xấu vẫn còn treo lơ lửng trên đầu các ngân hàng.
Siết cho vay, NIM giảm, nợ xấu tiềm ẩn là ba yếu tố tiêu cực đe dọa tới sự tăng trưởng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng.
Một vài ngôi sao trong ngành ngân hàng có thể tạo ra tăng trưởng mạnh như MBB hay đột biến như VPB cũng rất khó có thể ngược dòng xu thế. Điều tốt đẹp nhất với những cổ phiếu này có lẽ là tích luỹ chờ thời.
Cũng xin nói thêm, trước khi vụ bắt bớ chủ tịch Tân Hoàng Minh xảy ra thì nhóm ngân hàng vẫn ở trạng thái nhiều triển vọng tăng trưởng. Nhưng chính sách vĩ mô thay đổi, mọi thứ diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Cũng vì thế quyết định đầu tư đối với nhóm ngân hàng cần phải xem xét lại.
Bởi vậy, đầu tư dài hạn nhiều năm như huyền thoại Buffett không hề dễ dàng. Cá nhân người viết thường chỉ đánh trận trung hạn vài tháng mà thôi. Ví như TCB được coi là một trong những cổ phiếu tốt nhất nhóm ngân hàng xứng đáng để đầu tư dài hạn nhưng khi chính sách vĩ mô thay đổi thì kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi đó giá cổ phiếu TCB từ vùng 55 có thể lao dốc tiến sát đến 40, lúc đó đầu tư dài hạn rất đáng ngại và có thể tiến dần đến thảm họa.
Quay trở lại với hiện thực lúc này, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở trạng thái tiêu cực trong ngắn hạn. Những vấn đề khó khăn cần thời gian để giải quyết, giá cổ phiếu cần nhiều thời gian để thẩm thấu những sự tiêu cực.
Tóm cái váy lại, chính sách vĩ mô thay đổi tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng. Tâm lý đầu tư đối với nhóm cổ phiếu vua đã thay đổi theo hướng tiêu cực.
Kết luận đầu tư: ngày về của nhóm cổ phiếu vua còn rất xa xôi, nhóm ngân hàng chưa thích hợp mua vào trong lúc này.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận