Tâm lý bi quan về tài sản của Trung Quốc lan rộng ra thị trường chứng khoán
Tâm lý bi quan về tài sản của Trung Quốc đang lan rộng ra thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư nước ngoài dự báo, đồng nhân dân tệ (NDT) và trái phiếu chính phủ Trung Quốc sẽ hoạt động kém hiệu quả trong một năm mà động thái xoay trục chính sách tiền tệ theo dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hứa hẹn thúc đẩy các thị trường mới nổi.
Tâm lý tiêu cực đối với tài sản của Trung Quốc ngày càng gia tăng khi dữ liệu mới nhất xác nhận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn trong tình trạng ảm đạm. Dù tình trạng kinh tế u ám tạo thêm động lực để Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất, các nhà đầu tư cho rằng PBoC có ít dư địa để giảm lãi suất so với các ngân hàng lớn trên toàn cầu, nơi chi phí vay đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.
“Chúng tôi dự đoán đồng NDT sẽ vẫn chịu áp lực trong thời gian tới do triển vọng bi quan về tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Trái phiếu chính phủ Trung Quốc sẽ vẫn được hỗ trợ vì PBOC sẽ duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, áp lực giảm giá mới đối với NDT và biên lãi ròng đang thu hẹp của các ngân hàng Trung Quốc sẽ hạn chế khả năng PBoC giảm lãi suất”, Ken Cheung, nhà chiến lược tiền tệ châu Á của ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản) bình luận.
Trong một diễn biến gây bất ngờ, hôm 22-1, PBoC giữ nguyên lãi suất cơ bản kỳ hạn một năm ở mức 3,45% và lãi suất cơ bản kỳ hạn năm năm ở mức 4,2%.
Khi tài sản của Trung Quốc không còn được ưa chuộng, nhà đầu tư đang chuyển mối quan tâm sang tài sản ở các thị trường mới nổi khác. Những thị trường có lợi suất trái phiếu cao hơn sẽ có nhiều cơ hội để kiếm lợi nhuận từ việc cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed. Lợi suất trái phiếu của họ sẽ giảm và giá trái phiếu, di chuyển ngược chiều với lợi suất, sẽ tăng lên khi Fed hạ lãi suất. Trong khi đó, có nhiều khả năng trái phiếu của chính phủ Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ được đưa vào các chỉ số trái phiếu lớn của toàn cầu, điều sẽ giúp tài sản này tăng giá.
Các sự kiện trong tuần này đã gây thất vọng cho nhà đầu tư. Bất chấp những lời kêu gọi kích thích nhiều hơn, PBoC vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ hạn một năm. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên ở Davos, Thụy Sĩ hôm 16-1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ca ngợi khả năng đất nước đạt được mục tiêu mở rộng kinh tế mà không cần sử dụng các biện pháp kích thích lớn. Phát biểu này khiến giới đầu tư tiêu tan hy vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ kinh tế trong năm nay.
Sáng 22-1, chỉ số Hang Seng China Enterprises Index, theo dõi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết ở Hồng Kông có lúc giảm sâu 2,2%, về mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2005. Đợt bán tháo tài sản của Trung Quốc trong năm mới chủ yếu tập trung vào cổ phiếu nhưng tình trạng dòng vốn nước ngoài tiếp tục tháo chạy sẽ làm tăng áp lực giảm giá đối với NDT. Tỷ giá NDT ở thị trường nước ngoài suy yếu hơn 1% trong năm nay, sau khi giảm gần 3% vào năm 2023.
Rajeev De Mello, nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu của Gama Asset Management, nhận định, trong năm nay, đồng NDT có thể suy yếu so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại của Trung Quốc. “Tôi thích trái phiếu bằng bằng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi, nổi bật là Brazil và Mexico, những nơi giới chức trách đã chủ động tăng lãi suất và lạm phát đang giảm”, ông nói.
Julio Callegari, Giám đốc đầu tư bộ phận thu nhập cố định châu Á của JPMorgan Asset Management, cũng nhận thấy xu hướng suy yếu của NDT so với rổ tiền tệ của đối tác thương mại trong nửa đầu năm nay.
Các nhà kinh tế dự báo, NDT sẽ hoạt động kém hơn so với các đồng tiền khác ở châu Á. Theo khảo sát của Bloomberg, tỷ giá của NDT so với đồng đô la Mỹ ở thị trường nước ngoài sẽ tăng 3% trong năm nay, so với mức tăng trung bình 4,4% được dự đoán đối với rổ tiền tệ ở các thị trường mới nổi khác. Sau ba tuần giảm giá liên tiếp, sáng 22-1, NDT giao dịch ở mức 7,2037 ăn 1 đô la, không thay đổi nhiều so với phiên giao dịch trước.
Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận phân tích ngoại hối tại của Monex Europe London, cho rằng NDT không mấy hấp dẫn trong môi trường hiện tại khi đô la Mỹ vẫn mạnh.
Trái phiếu chính phủ Trung Quốc hoạt động tốt trong đầu năm nay, với lợi suất giảm và giá tăng khi nhà đầu tư đặt hy vọng vào việc nới lỏng tiền tệ của PBoC. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang tập trung vào các thị trường có trái phiếu ở mức lợi suất cao hơn vì họ sẽ được hưởng lợi một khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 2,5%, so với hơn 7% ở Ấn Độ, 9% ở Mexico và 10% ở Brazil.
“Chúng tôi đánh giá thấp trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào thời điểm này, do lợi suất cao hơn ở các thị trường như Ấn Độ và Indonesia”, Edmund Goh, giám đốc đầu tư thu nhập cố định châu Á của Công ty quản lý tài sản Abrdn (Anh), nói.
Theo phân tích của Bloomberg, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Hàn Quốc nhạy cảm nhất trước những biến động của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn. Điều đó có nghĩa là trái phiếu chính phủ Hàn Quốc có nhiều khả năng tăng giá khi Fed bắt đầu nới lỏng tiền tệ, làm giảm lợi suất đồng thời đẩy tăng giá của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận