Tạm dừng beFood, be dồn lực 'quyết đấu' Grab ở mảng vận tải
Thay vì mở rộng thêm dịch vụ giao nhận đồ ăn, beGroup quyết dồn toàn bộ tiềm lực để phát triển mạng vận chuyển, cạnh tranh với đối thủ số 1 hiện nay là Grab.
Chưa phải thời cơ của beFood
Sau gần 1 năm gia nhập thị trường với những thành tích đáng kinh ngạc trong lĩnh vực vận tải công nghệ, beGroup rục rịch tuyên bố sắp triển khai thêm dịch vụ giao nhận đồ ăn beFood, đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên trong thông báo mới nhất, công ty cho biết sẽ tạm ngưng kế hoạch này với lý do dồn sức cho mảng vận tải.
Ngay lập tức, dư luận đặt nghi vấn về tiềm lực của be, khi cho rằng beGroup chưa đủ sức để lấn sân sang lĩnh vực mới, cạnh tranh với các đối thủ hiện nay trên thị trường. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện “be” khẳng định toàn bộ bước đi đều nằm trong chiến lược chung của công ty, beFood chắc chắn vẫn sẽ ra đời nhưng không phải trong thời điểm này.
Phân tích cụ thể hơn, vị này cho biết: “be” đang chuẩn bị đón sinh nhất 1 năm tuổi của dịch vụ gọi xe vào tháng 12. Đây cũng là thời điểm để doanh nghiệp này tập trung vào xây dựng toàn bộ kế hoạch kinh doanh và chiến lược cho 2020.
"Điểm lại 2019, chúng tôi có thể tự hào rất nhiều về những thành quả đã đạt được. “be” đã khẳng định mình đang là 1 "tay chơi" không hề nhỏ và không hề yếu trong cuộc đua giành thị trường lĩnh vực gọi xe công nghệ, khi đạt được những chỉ số mà chưa công ty nào trong ngành đạt được trong vòng 10 tháng”. Đơn cử, “be” đã vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần và là công ty Việt Nam duy nhất nằm trong top 3 thị trường, theo khảo sát của ABI. Ngoài ra, “be” hiện có khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu/ngày nhờ đội ngũ 50.000 tài xế, mở rộng 9 tỉnh thành và đã thực hiện tổng cộng 40 triệu chuyến đi. Với những bước đi đầu tiên vững chắc như vậy, be hoàn toàn tin tưởng có thể cải thiện hơn nữa vị trí của mình trên đường đua, rút ngắn khoảng cách với đơn vị đang giữ vị trí số 1 hiện nay là Grab" - vị này nhận định và cho biết thêm, sở dĩ “be” xác định dồn lực cho mảng vận tải trong thời điểm này là do đang có những động thái tích cực về sự ra đời của Nghị định 86.
Theo định hướng mới nhất từ phía cơ quan chức năng, toàn bộ ứng dụng gọi xe sẽ được đưa về chung định danh là doanh nghiệp vận tải. Như vậy có nghĩa là tất cả các đơn vị đều sẽ xóa bàn làm lại, "chơi" chung trên 1 sân, thậm chí “be” còn có lợi hơn vì đã đăng ký là doanh nghiệp vận tải từ cách đây hơn 1 năm khi bắt đầu xuất hiện. Đây là thời cơ của “be”, chưa phải thời cơ để dàn lực cho beFood.
Sự tập trung là chìa khóa thành công
Chia sẻ kế hoạch sắp tới, đại diện “be” cho biết công ty đã sẵn sàng cho một khoản đầu tư lớn để tập trung củng cố vào mảng vận tải, không chỉ bảo vệ thị phần đã có, mà còn đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2020. Cụ thể, dồn đại đa số nguồn lực và đầu tư công nghệ cho mảng vận tải; Tăng sự tối ưu hóa về công nghệ nhằm giảm chi phí vận hành và đưa thêm các tài nguyên công nghệ vào dịch vụ vận tải 2 bánh, 4 bánh. Đồng thời, “be” sẽ tập trung mạnh hơn, tiếp tục chăm lo cho đời sống của tài xế cũng như tăng trải nghiệm, dịch vụ khách hàng.
Chia sẻ với Thanh Niên trước đó, CEO của beGroup - Trần Thanh Hải - cho biết ông luôn đau đáu với câu hỏi làm sao để giúp đỡ những người có điều kiện kém hơn, làm sao để các anh tài xế kiếm thêm được nhiều tiền hơn, được bảo vệ, an toàn hơn. Có một nghịch lý là tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các tài xế xe công nghệ đều làm full time (cả ngày), đầu tư phương tiện để chạy xe và khổ cực, vất vả nhưng không ai coi tài xế là một nghề chính thức. Họ chưa được bảo vệ, chưa được hưởng các chế độ ưu đãi như bao nghề khác. Điều này quá bất công.
"Do đó, be ngay từ khi thành lập đã chủ trương xây dựng các chính sách lấy tài xế làm gốc. Tổ chức chương trình đào tạo cho các tài xế nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và sự chuyên nghiệp, xây dựng chương trình bảo hiểm toàn diện, đóng thuế, đóng BHXH cho tài xế… Chúng tôi mong muốn nghề tài xế hay tài xế công nghệ không chỉ là một công việc tạm thời mà sẽ trở thành một nghề nghiệp chính thức được công nhận. Hiện be đang làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hoàn thiện khung pháp lý về chế độ phúc lợi, BHXH cho anh em tài xế như những người lao động bình thường khác" - ông Hải thông tin.
Cũng theo ông, việc tập trung vào 1 mục tiêu để giành được kết quả tốt nhất là định hướng ngay từ đầu và cũng có thể coi là 1 trong những yếu tố giúp “be” đạt được những thành quả như ngày hôm nay.
"Nếu để ý các bạn sẽ thấy không giống như các ứng dụng gọi xe khác, nhanh chóng mở rộng ra nhiều dịch vụ như giao nhận hàng hóa, đồ ăn… “be” chỉ tập trung vào dịch vụ duy nhất là gọi xe. “be” không quá quan tâm đối thủ đang làm gì, mở thêm những dịch vụ nào để cạnh tranh. Thay vào đó, chúng tôi sẽ ngồi lại với anh em tài xế, trao đổi với họ, nói chuyện thấu hiểu xem họ cần cái gì để cung cấp cái đó, dồn lực vào dịch vụ gọi xe. Đó cũng chính là lý do “be” ngay từ đầu đã đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Tất nhiên các dịch vụ mở rộng đều đã nằm trong kế hoạch nhưng chúng tôi muốn tập trung, đạt được hết những kỳ vọng, mong muốn này rồi mới tiến tới các mục tiêu khác" - CEO Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận