Tâm điểm Đà Nẵng: Chống dịch bằng cả trái tim
Mỗi người một việc, những người con thành phố biển đang ngày đêm chung sức, đồng lòng với mục tiêu quyết thắng đại dịch.
10 ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, số ca bệnh vẫn tăng từng ngày.
Thế nhưng từ chỗ hoang mang, lo lắng, mỗi người dân giờ đây đã trở thành một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ tự giác chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch, họ còn là hậu phương vững chắc chi viện cho lực lượng tuyến đầu.
Hàng tấn hàng hóa được chuyển đến các bệnh viện (BV), khu cách ly. Hàng ngàn suất cơm nóng hổi nấu bằng cả trái tim được chuyển đến bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ trong BV. Hàng ngàn người, từ tổ trưởng dân phố, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên đến đội ngũ y, bác sĩ về hưu, thực tập sinh, sinh viên (SV) ngành y tình nguyện tham gia chống “giặc COVID-19”.
Không về quê, ở lại chống dịch
Ngay khi biết tin ngành y tế Đà Nẵng cần lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chống dịch, Phan Thị Diệu Trâm, SV năm thứ năm Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, cùng hơn 400 SV trong trường đã đăng ký mà không chút chần chừ.
“Hiện việc truy vết các trường hợp nghi nhiễm F1, F2, F3 rất khẩn cấp, số lượng nhiều và phạm vi rộng nhưng lại thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ có kiến thức về y dược. Với kiến thức đã học được trong suốt năm năm qua, em nghĩ tụi em sẽ có ích vào lúc này” - Diệu Trâm cho hay.
Chung suy nghĩ, SV Lê Thị Hà My cho biết quê em ở Quảng Trị, khi dịch bùng phát, em không về quê mà quyết định ở lại cùng TP chống dịch. “Khi đất nước cần thì tụi em luôn sẵn sàng!” - Hà My cười hiền.
Ban đầu, do sợ gia đình lo lắng nên hai em tính giấu không cho cha mẹ biết. Nào ngờ về sau chính họ lại là người chủ động động viên các em đăng ký tham gia chống dịch.
“Em quê ở Đắk Lắk. Cha mẹ em làm ngành y nên rất hiểu tình hình của Đà Nẵng lúc này. Mẹ nhắn tin nói “con xung phong đi đi. Không có sao hết, miễn sao con bảo vệ bản thân mình tốt nhất là được”. Em rất vui vì được cha mẹ ủng hộ. Em sẽ nỗ lực để cùng TP đẩy lùi dịch bệnh” - Diệu Trâm chia sẻ.
ThS-BS Nguyễn Thái Nghĩa, thường trực ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, cho biết khoảng 30 giảng viên của nhà trường đã được PGS-TS Trần Như Dương (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) tập huấn về cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Các giảng viên sau đó tập huấn cho hơn 400 SV của trường và 400 học viên Trường Quân sự Quân khu 5. Sau khi tập huấn, hai lực lượng này sẽ được chi viện cho các quận, huyện để trực tiếp tham gia vào việc truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19, kịp thời cách ly, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
“Hầu hết các em là SV năm cuối của bốn khoa chủ lực là khoa y, điều dưỡng, xét nghiệm và y tế công cộng. Tôi nghĩ sau đợt dịch này, các em sẽ trải nghiệm và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chiến sĩ ngành y đối với cộng đồng và xã hội” - BS Nguyễn Thái Nghĩa nói.
“Chia lửa” với bệnh viện tuyến đầu
BS Trần Hùng, Giám đốc BV Gia đình Đà Nẵng, cho biết để “chia lửa” cho BV tuyến đầu, BV đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân chuyển về từ BV Đà Nẵng, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng.
“Chúng tôi không thu bất kỳ chi phí nào của bệnh nhân, chỉ sử dụng tiền bảo hiểm thông thường. Chúng tôi tin tưởng sẽ cầm cự được để đóng góp một phần nhỏ của mình cho ngành y tế của TP” - BS Hùng cho hay.
Trước đó, BS Hùng đã viết một bức tâm thư gửi toàn bộ nhân viên trong BV bày tỏ việc đơn vị sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 để chia lửa với TP.
“Thay vì bế quan tỏa cảng, giữ gìn sự sạch sẽ cho riêng mình, chúng ta quyết định đương đầu với thảm họa, không bỏ rơi những bệnh nhân, thân chủ thân yêu của chúng ta.
Đêm qua, chúng ta lựa chọn chia tay người thân của mình để vào trực chiến 24/7 tại BV vì số nhân viên bị cách ly đã quá nhiều, không còn ai làm việc. Đêm nay, chúng ta siết chặt tay nhau giữ lại những bệnh nặng, đầy rủi ro cho chính bản thân mình mà không chuyền bóng cho hai người bạn lớn là BV Đà Nẵng và BV Phổi nữa.
Tôi biết quyết định này sẽ làm không ít người bất an, không ít gia đình lo lắng nhưng tất cả chúng ta đều tin rằng mình sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hoàn thành vẻ vang sứ mệnh này vì lòng yêu nghề, yêu con người của mình” - BS Hùng viết.
Nấu hàng ngàn suất cơm miễn phí
Những ngày qua, rất đông mạnh thường quân, doanh nghiệp cùng các nhóm thiện nguyện đã chung tay góp những phần nhu yếu phẩm gửi vào cho các bệnh nhân, y, bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh hàng ngàn thùng nước, khẩu trang, đồ dùng sinh hoạt…, những suất cơm nghĩa tình vẫn liên tục được chuyển đến các BV.
Tại một nhà hàng nằm trên đường 2-9 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), hàng trăm đầu bếp và nhân viên vẫn hì hục từ sáng đến tối muộn để chuẩn bị các phần cơm đầy đủ dinh dưỡng gửi vào BV Đà Nẵng. Trong không gian bếp nóng nực, với cường độ làm việc cao nhưng ông Lê Xuân Thành (bếp trưởng nhà hàng) cùng các nhân viên của mình vẫn trang bị bảo hộ, đeo khẩu trang xuyên suốt cả một buổi nấu nướng.
Ông Thành cho biết việc nấu suất cơm miễn phí cho các y, bác sĩ tại BV được chia làm hai ca sáng và chiều. Phần lớn nguyên liệu nấu nướng được các công ty thực phẩm hỗ trợ để duy trì hoạt động của căn bếp.
Trung bình mỗi ngày họ nấu hơn 1.000 suất cơm chuyển đến các BV.
Chỉ là một tổ chức của những người mê xe bán tải nhưng hàng trăm hội viên của Hội xe bán tải Pickup Danang Club (PDC) đã không ngần ngại bỏ xăng, bỏ tiền để tổ chức các buổi tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm vào trong BV. Công việc tiếp tế còn đi kèm với việc hỗ trợ vận chuyển hàng miễn phí cho các đơn vị hảo tâm muốn đóng góp vào trong BV.
Với việc kết nối được 2.000 thành viên online cùng 120 thành viên thường trực, suốt những ngày qua, nhóm đã thực hiện vận chuyển hàng ngàn chuyến lương thực, hàng hóa tiếp tế để hỗ trợ cho các BV đang bị phong tỏa.
Anh Lê Toàn cho biết không thể đếm nổi số đơn đặt vận chuyển hàng tiếp tế trong ngày. Tuy nhiên, nhờ có đội ngũ thành viên đông đảo, mọi việc được triển khai hết sức suôn sẻ.
“Bất kỳ Quảng Nam, Đà Nẵng… hay cả khi vào trong khu cách ly, chúng tôi vẫn không ngần ngại vận chuyển miễn phí nếu đó là hàng hóa từ thiện. Thực sự bản thân chúng tôi ai cũng mong muốn dịch bệnh qua nhanh, chỉ mong các y, bác sĩ cùng các bệnh nhân trong BV phải thật cố gắng. Những nhà hảo tâm bên ngoài luôn sẵn sàng các nguồn hàng tiếp tế để hỗ trợ. Nếu mọi người đồng lòng, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch” - anh Toàn chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận