Tâm điểm chứng khoán: Dòng tiền đang méo mó, không lành mạnh?
Chuyên gia nêu quan điểm bình thường với hiện tượng dòng tiền đi vào các mã cổ phiếu vừa và nhỏ, vào các cổ phiếu đầu cơ mà không vào các cổ phiếu trụ.
Dòng tiền trở lại và gói kích thích
Tuần chào năm mới, VN-Index tăng hơn 42 điểm (+2,86%) so với phiên đóng cửa năm 2021 (1.485,97 điểm) để chính thức vượt qua vùng đỉnh 1.511 điểm của năm 2021 và thiết lập vùng điểm lịch sử mới quanh mốc 1.530 điểm.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, tuần đầu tiên của năm mới 2022 thực sự là một tuần bứt phá và lan tỏa tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hai phiên đầu tuần là sự bứt phá của nhóm bluechip thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán... và phần lớn số điểm tăng được trong tuần qua là nhờ hai phiên đầu tuần, đan xen vào 3 phiên cuối tuần lại là diễn biến giằng co điều chỉnh của VN-Index khi có 2 phiên giảm, dù vậy diễn biến tăng giá mạnh lại được tiếp nối bởi nhóm cổ phiếu midcap, penny thuộc các nhóm ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu, hàng công nghiệp và dịch vụ...
“Thực tế này cho thấy tâm lý tích cực của đa số nhà đầu tư và dòng tiền có tín hiệu trở lại thị trường và lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau sau giai đoạn giằng co giảm thanh khoản trong tuần cuối năm 2021. Ba yếu tố hỗ trợ thị trường trong tuần đầu năm 2022 gồm dòng tiền trở lại của tổ chức đầu tư đã bán ròng để thực hiện báo cáo tài chính chốt năm 2021, sự trở lại của dòng tiền margin rộng mở hơn của các CTCK so với giai đoạn cuối năm và kỳ vọng của giới đầu tư vào các biện pháp kích thích kinh tế có thể sắp được chính thức thông qua vào ngày 11/1/2022”, ông Ngọc phân tích.
Ba yếu tố hỗ trợ thị trường trong tuần đầu năm 2022 gồm dòng tiền trở lại của tổ chức đầu tư đã bán ròng để thực hiện báo cáo tài chính chốt năm 2021, sự trở lại của dòng tiền margin rộng mở hơn của các CTCK so với giai đoạn cuối năm và kỳ vọng của giới đầu tư vào các biện pháp kích thích kinh tếÔng Đỗ Bảo Ngọc
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Bùi Văn Huy cũng cho rằng thị trường tăng mạnh từ trợ lực là dòng tiền margin được giải phóng và đây là yếu tố rất quan trọng.
“Thông tin về quy mô gói kích thích kinh tế được đưa ra thảo luận. Thực chất về quy mô gói kích thích kinh tế, không hẳn là đúng với kỳ vọng của thị trường và những “đồn đoán” trước đó, tuy nhiên sức mạnh của dòng tiền margin là quá lớn và khiến thị trường qua hẳn 1.500 ngay trong phiên đầu tiên”, ông Huy bình luận.
Nói rõ hơn, ông Huy cho rằng, khi quy mô của gói kích thích kinh tế đã lộ rõ mà không còn ở dạng “tin đồn”, ảnh hưởng của thông tin này sẽ không còn lớn như trước nữa. Câu chuyện gói kích thích kinh tế hiện tại sẽ chuyển sang trạng thái cụ thể hơn với việc nó sẽ được chi vào đâu, bao nhiêu và tác động cụ thể là gì. Do đó sóng theo gói kích cầu vẫn còn nhưng sẽ phân hóa, có trọng tâm hơn chứ không dàn trải. Bản thân của thị trường cũng cần tiếp tục tìm những câu chuyện mới.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Thị trường có đang lành mạnh?
Với phiên điều chỉnh cuối tuần, ông Bùi Văn Huy nhận định, các cổ phiếu trụ mà đại diện là chỉ số VN30 đã giảm xuống dưới mức giá đóng cửa ngày 31/12/2021, nghĩa là đang giảm trong năm 2022. Diễn biến này không bất ngờ khi các cổ phiếu trong VN30 vẫn suy yếu rõ trong thời gian dài, nổi bật là sự suy yếu của nhóm cổ phiếu Ngân hàng, chiếm trọng số rất lớn khoảng trên/dưới 40% trong VN30.
VN30 vẫn chưa thể vượt đỉnh tháng 7/2021 dù VN-Index đã liên tiếp tạo đỉnh mới. Từ khoảng chênh hơn 100 điểm, hiện tại VN-Index và VN30 đã gần bằng nhau về mặt điểm số.
Diễn biến này có “lành mạnh” không? Để trả lời câu hỏi này phải hiểu “lành mạnh” theo nghĩa nào và đó là góc nhìn của ai? Với góc nhìn dòng tiền, ông Huy cho rằng diễn biến này hoàn toàn lành mạnh. Diễn biến này không phải xa lạ gì mà diễn ra trong suốt thời gian qua. Dòng tiền khỏe và chọn điểm đến ngoài nhóm cổ phiếu trụ mà thôi.
Nhiều quan điểm cho rằng dòng tiền đi vào các mã cổ phiếu vừa và nhỏ, vào các cổ phiếu đầu cơ mà không vào các cổ phiếu trụ là méo mó, là không lành mạnh. Đây là quan điểm của một số lãnh đạo CTCK, của một số người trong các cơ quan quản lý, một số phòng phân tích của các CTCK… Theo ông Huy, đây là vấn đề quan điểm, cá nhân ông cho là điều bình thường, cần tôn trọng thị trường.
“Nói chung dòng tiền hiện tại khỏe, khẩu vị rủi ro của thị trường hiện là như vậy thì người tham gia nên chấp nhận. Gamstop, cổ phiếu meme… ở Mỹ còn khủng khiếp hơn nhiều. Dòng tiền thông minh lắm, các cổ phiếu trụ giải quyết được các vấn đề của mình thì tự khắc dòng tiền quay lại thôi. Triển vọng tăng trưởng không thực sự quá sáng, suốt ngày đòi in giấy lấy tiền về, tăng cung thì thị trường cần thời gian hấp thụ”, chuyên gia này chia sẻ.
Review lại các chỉ số đã diễn biến trong thời gian qua, từ đáy thị trường tháng 7/2021, nhóm VN30 chỉ tăng 6-7%. VN-Index tăng 17-18%, VNMidcap tăng hơn 50% còn VnSmallcap đã tăng gần 80%, ông Huy cho rằng, nếu nói nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có nóng không thì thực sự đang nóng, không phủ nhận điều đó.
Để nói về tính hấp dẫn hay cơ hội của nhóm này, cũng như câu hỏi “lành mạnh” ở trên, chuyên gia này cho rằng tùy theo cách tiếp cận. Trên quan điểm đầu tư giá trị thuần túy, định giá của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã được đẩy lên rất cao, do đó các cơ hội mua cổ phiếu rẻ càng ngày càng ít dần. Thực sự phải chắt lọc rất nhiều.
Nói chung dòng tiền hiện tại khỏe, khẩu vị rủi ro của thị trường hiện là như vậy thì người tham gia nên chấp nhận. Gamstop, cổ phiếu meme… ở Mỹ còn khủng khiếp hơn nhiều. Dòng tiền thông minh lắm, các cổ phiếu trụ giải quyết được các vấn đề của mình thì tự khắc dòng tiền quay lại thôi.Ông Bùi Văn Huy
Trên phương diện dòng tiền, đương nhiên với dòng tiền khỏe hiện tại, trong năm 2022 vẫn kỳ vọng tiếp tục được vì như đã nói ở trên, trên phương diện cung cổ phiếu, cung cổ phiếu vừa và nhỏ không dày như các cổ phiếu trụ. Ở thời điểm hiện tại, xét trên phương diện kỹ thuật, các cổ phiều vừa và nhỏ đang trong trạng thái quá mua sau Tết Dương lịch. Do đó chiến lược ngắn hạn là rất hạn chế mua mới và canh chốt lời chủ động hoặc khi có dấu hiệu phân phối ngắn hạn.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi cổ phiếu vừa và nhỏ suy yếu đi nữa, tiền có về lại trụ hay không vẫn là một vấn đề cần theo dõi.
Chuyên gia tài chính Bùi Văn Huy
Đánh giá triển vọng thị trường năm mới, ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết, sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 cho ông sự phấn khích lớn vì thị trường đã có điều kiện quá thuận lợi để bước một bước dài trong sự phát triển chung đặc biệt là về số lượng tài khoản mở mới và thanh khoản bình quân toàn thị trường.
Cụ thể, ngoài việc chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 35% trong năm 2021, thì số lượng tài khoản mở mới trong năm đạt gần 1,5 triệu tài khoản bằng tổng lượng tài khoản mở mới của 7 năm trước đó cộng lại, thanh khoản bình quân mỗi phiên đạt hơn 26.000 tỷ đồng, gấp hơn 3,2 lần so với mức bình quân của năm 2020 và kỷ lục thanh khoản của thị trường cho tới thời điểm này là có phiên giao dịch tổng 3 sàn đạt hơn 52.000 tỷ đồng (gần 2,2 tỷ USD). Ngoài ra, huy động vốn của các cty niêm yết năm 2021 cũng đạt hơn 100.000 tỷ đồng là con số kỷ lục từ trước tới nay.
“Nếu để nhận định tổng quát thị trường năm 2021 thì tôi sẽ dùng từ bứt phá ngoạn mục”, ông Ngọc cho biết.
Ông Ngọc cho rằng, nối tiếp đà tích cực của năm 2021, thị trường chứng khoán năm 2022 tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục phát triển như: (1) kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát ở mức trung bình, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng với mặt bằng lãi suất thấp, chính sách tài khóa sẽ đẩy mạnh để kích thích hồi phục kinh tế sau khi đã kiểm soát thành công dịch COVID; (2) dự báo kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng và sự hồi phục chung của hệ thống doanh nghiệp Việt sẽ thể hiện tích cực hơn trong năm 2022, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể đạt mức 25% - 30% là yếu tố nền tẳng cho sự phát triển của TTCK; (3) kênh đầu tư chứng khoán vẫn là thanh khoản cao thu hút được dòng tiền lớn trong nền kinh tế, nguồn lực margin của các CTCK tăng mạnh nhờ sự tăng vốn lớn của nhiều CTCK, sự trở lại của khối ngoại cũng có thể được kỳ vọng trong năm 2022 là các yếu tố hỗ trợ thêm.
Về điểm số VN-Index năm 2022 chuyên gia này kỳ vọng sẽ có thể đạt mốc 1.700 điểm, tăng khoảng 15% so với mức đóng cửa năm 2022. Về thanh khoản, năm 2022 có thể duy trì mức bình quân khoảng 26.000 - 28.000 tỷ đồng/phiên là rất tích cực và nhiều khả năng khối nội vẫn là dòng vốn chính đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Ông Ngọc cũng kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại sau một năm bán ròng lớn 2021. Các ngành được nhận định tăng trưởng tốt trong năm 2022 là chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu, ngân hàng, cộng nghệ, khu công nghiệp, bán lẻ và hàng tiêu dùng, tài nguyên... Và nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 có thể hồi phục trở lại như hàng không, du lịch, cảng biển, vận tải...
Còn theo ông Bùi Văn Huy, năm 2022 là năm sẽ nhiều biến động trên thị trường chứng khoán thế giới. Một số chủ đề nổi bật của năm 2022 có thể là sự thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa trên phạm vi toàn cầu, những cú sụp bất ngờ của nhiều thị trường tài chính, những vấn đề từ thị trường nợ, thị trường bất động sản Trung Quốc, những biến chủng COVID mới.
“Trong những ngày đầu năm nay, bối cảnh chung không thực sự là sáng với biên bản cuộc họp của Fed cho thấy quan điểm cứng rắn về lãi suất và sẵn sàng nâng lãi suất ba lần trong năm 2022. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm sau Tết Dương lịch. Hiện tại có một diễn biến rất đáng chú ý là Bond Yield đang cho thấy khả năng vượt kháng cự tháng 3/2021. Dù hiện tại dòng tiền trong nước đang rất mạnh khiến những tác động bên ngoài không mạnh như trước nhưng cũng rất nên theo dõi và dành sự cẩn trọng nhất định”, ông Huy nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận