Tâm điểm chứng khoán: “Bắt mạch” cổ phiếu bất động sản và động thái mua ròng khối ngoại
Các chuyên gia đưa ra nhận định tích cực về thị trường trong thời gian tới nhờ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quý 3 khả quan hơn dự báo, trong đó có nhóm bất động sản...
Sau một giai đoạn đi ngang tẻ nhạt, VN-Index bất ngờ giao dịch bùng nổ và vượt đỉnh lịch sử trong tuần qua, chốt tuần trên mức 1.444 điểm. Thanh khoản bình quân trên HOSE đạt hơn 26.000 tỷ/phiên, tăng hơn 16% so với tuần trước.
Điểm đáng chú ý trong tuần là sau thời gian dài bán ròng đã quay trở lại mua ròng 3 phiên liên tiếp. Đồng thời sóng ở cổ phiếu bất động sản tiếp tục nổi…
Tuần này, thị trường bước sang tháng 11, thời điểm kết thúc mùa báo cáo tài chính quý 3. Thị trường có thể sẽ trống thông tin hỗ trợ trong thời gian tới. Vậy VN-Index còn những động lực nào để duy trì đà tăng điểm? Khối ngoại sẽ có động thái ra sao? Sóng bất động sản có tiếp nối?
Dưới đây BizLIVE ghi nhận ý kiến các chuyên gia xoay quanh các chủ đề trên:
Nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội ngắn hạn cần xác định rõ câu chuyện của thị trường
Ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán
Về thị trường tăng mạnh trong tuần vừa qua xuất phát từ các nguyên nhân chính sau:
Kỳ vọng đồn đoán về quy mô gói kích thích kinh tế. Hiện tại chưa có kênh thông tin nào xác nhận chính thức nhưng theo những văn bản được truyền tay nhau trong thời gian qua, quy mô (nếu là sự thật) theo văn bản đó là rất lớn. Thị trường trong tuần trước đó rất thiệu động lực, nhưng với thông tin này, dòng tiền lạc quan hơn hẳn và mặt bằng giá được xác lập một ngưỡng cao mới.
Khối ngoại ngưng bán ròng và trở lại mua ròng. Đầu năm đến nay, và trong cả tháng 10, nhà đầu tư cá nhân luôn phải cân khối ngoại. Nhưng trong tuần qua khối ngoại trở lại mua ròng giúp tâm lý thị trường trở nên vững hơn rất nhiều.
Về xu hướng tiếp theo, sau khi vượt đỉnh, thị trường đương nhiên không còn kháng cự cụ thể nào và hiện tại khả năng sẽ vận động theo động lực đẩy thị trường qua đỉnh. Quy mô thực tế của gói kích thích kinh tế vẫn sẽ là câu chuyện chính của thị trường. Đương nhiên các ngành hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế cũng sẽ được nhắc đến nhiều nhất.
Cổ phiếu bất động sản là tâm điểm sau dịch là mẫu hình lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường trên thế giới.
Như đã đề cập ở trên, tâm điểm thị trường tuần qua là câu chuyện quy mô gói kích thích kinh tế, mà không thể phủ nhận, nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá…), hạ tầng… là nhóm được hưởng lợi rất nhiều. Do đó sóng bất động sản trong tuần qua cũng không bất ngờ nền nhìn trên góc nhìn đó.
Hiện tại nhóm bất động sản đang dẫn sóng, do đó cũng như thị trường, diễn biến nhóm cổ phiếu này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quy mô thực tế của gói kích thích kinh tế. Tất nhiên nếu quy mô thực tế lớn như kỳ vọng, sóng vẫn còn dài, nhưng trong trường hợp kỳ vọng đã được đẩy lên cao như hiện tại, sự hụt hẫng là không thể tránh khỏi nếu thực tế không như kỳ vọng.
Có thể nói là bên mua biết chọn thời điểm để đánh lên. Cá nhân tôi thấy, khối ngoại mua ròng cũng góp phần không nhỏ giải tỏa tâm lý.
Tuần qua có một thông tin quan trọng mà ít được chú ý là về quỹ Bualuang Vietnam Equity Fund (B-VIETNAM), tôi có một số thông tin sau:
Đây là quỹ do Bualuang sáng lập, công ty chứng khoán này là một trong những công ty chứng khoán nằm trong Top10 của Thái Lan, chiếm khoảng 4-5% thị phần trong quãng thời gian gần đây.
Trước đó Bualuang cũng chính là CTCK phân phối E1VFVN30 (E1) dưới dạng DR niêm yết trên TTCK Thái Lan. Họ cũng cung cấp các bản tin về VN30 dưới dạng tiếng Thái và tôi có theo dõi/tương tác từ mấy năm trước.
Sau sự thành công của DR E1, nhà đầu tư Thái Lan cũng rất quan tâm đến chứng khoán Việt Nam. Mà thực ra trước E1 tôi thấy họ cũng đã rất quan tâm.
Sau thành công bước đầu về ETFs, họ mở quỹ Mutual Fund cũng rất bình thường. Cá nhân tôi cho rằng size quỹ có thể có kỳ vọng tương đương với size DR VN30. Quy mô DR E1 hiện tại khoảng 200 triệu chứng chỉ quỹ, khoảng hơn 7 tỷ Bath (hơn 4.000 tỷ đồng). Nên quỹ mới này nếu hút vốn thêm 2-3.000 tỷ nâng quy mô 3-4.000 tỷ theo tôi là khả thi.
Về chiến lược đầu tư hiện nay, tôi cho rằng cơ là nhiều sau khi vượt đỉnh và thị trường đang có dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên sự phân hóa cao vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Mặt bằng giá đã được nâng lên một nấc nữa, tuy nhiên sự phân hóa cao sẽ tiếp tục diễn ra.
Nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội ngắn hạn phải cần xác định rõ câu chuyện của thị trường hiện tại là gì và chọn đúng nhóm ngành, cũng như rủi ro là gì. Ví dụ như thời điểm hiện tại, các nhóm ngành liên quan đến gói kích thích kinh tế nên được ưu tiên, còn rủi ro lớn nhất cũng là từ quy mô kỳ vọng và quy mô thực tế của gói kích thích kinh tế.
Áp lực chốt lời tại nhóm bất động sản
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK Kiến thiết Việt Nam (CSI)
Thị trường tuần qua ghi nhận nhiều điểm tích cực mang tính đột phá, tôi nhận thấy sức mạnh dòng tiền lớn được thể hiện rõ tại nhóm cổ phiếu bluechip, và đây có thể là tuần bản lề để đưa thị trường vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Thường thì khi thị trường đã vượt qua được các ngưỡng kháng cự mạnh để thiết lập các vùng điểm cao mới thì sau đó các chỉ số sẽ hình thành một chu kỳ tăng mới để tiếp diễn xu hướng tăng tích đã được xác nhận trước đó.
Ngắn hạn thì trong tuần mới, nhiều khả năng thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh ngắn để retest lại các vùng hỗ trợ quan trọng sau khi đã tăng khá mạnh trong 3-4 phiên tuần trước, nhịp điều chỉnh này nếu có thường là ngắn và là cơ hội cho những nhà đầu tư vẫn còn trạng thái tiền mặt lớn. Trung và dài hạn thì thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng tích cực.
Các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng trung hạn của thị trường trong thời gian tới: (1) hầu hết các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã phản ánh hết trong quý 3/2021 và kết quả kinh doanh quý 3/2021 của DNNY khả quan hơn so với những lo ngại trước đó. (2) kỳ vọng nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ hồi phục mạnh mẽ trong quý 4/2021 sau khi Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và dần khội phục lại hoàn toàn các hoạt động của nền kinh tế. (3) kỳ vọng vào những giải pháp kích thích kinh tế của chính phủ thông qua các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong quý 4/2021 và giai đoạn 2022 - 2023. (4) với kết quả kinh doanh quý 3 khả quan hơn dự báo và kỳ vọng hồi phục mạnh trong quý 4 thì kết quả kinh doanh năm 2021 của DNNY nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hơn 35% so với 2020, và điều này cũng nâng cao tính hấp dẫn dòng tiền vào TTCK hơn.
Những yếu tố trên đã tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền lớn trên thị trường giúp chỉ số VN-Index bứt phá ngoạn mục trong tuần qua.
Về cổ phiếu ngành bất động sản, nhìn chung kết quả kinh doanh quý 3/2021 của nhóm doanh nghiệp này khả quan hơn so với những lo ngại trước đó. Nhóm doanh nghiệp quy mô lớn trong ngành có lợi nhuận tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong khi nhóm vốn hóa nhỏ và vừa thì có sự phân hóa, phân khúc bất động sản nhà ở/dân cư vẫn có kết quả tốt trong khi nhóm bất động sản khu công nghiệp lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với với cùng kỳ.
Đối với ngành bất động sản thường có điểm rơi lợi nhuận cao là vào quý 4/2021 và do đó có thể việc dòng tiền đổ mạnh vào nhóm này trong thời gian quan giúp nhóm này hồi phục trước so với thị trường chung đã phần nào phản ánh những kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh quý 4/2021.
Ngắn hạn, tôi cho rằng áp lực chốt lời tại nhóm bất động sản có thể diễn ra trong tuần này, và sự phân hóa sẽ bắt đầu diễn ra sau đó, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3 và quý 4/2021 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trung hạn, trong khi những doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm quý 3/2021 sẽ đối mặt với sự rút ra của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.
Trong 4 phiên giao dịch gần đây khối ngoại đã mua ròng hơn 1.420 tỷ đồng, cùng với dòng tiền nội gia tăng tích cực đã góp phần thúc đẩy sự bứt phá của VN-Index qua các ngưỡng kháng cự mạnh 1.400 và 1.425 điểm. Động thái gần đây của khối ngoại trái ngược với trạng thái bán ròng lớn trước đó, nguồn tiền mua ròng gần đây được ghi nhận đến từ một số quỹ ETF, trong đó có cả các quỹ mới.
Tôi cho rằng khi kinh tế Việt Nam hồi phục tích cực thì dòng tiền ngoại từ các nhóm ETF có thể tiếp tục đổ vào TTCK Việt trong giai đoạn sắp tới. Nhìn về dài hạn Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại khi quá trình nâng hạng TTCK Việt đang tới gần, thời điểm có thể là trong năm 2022.
Mặc dù có cải thiện, cá nhân tôi nhận thấy tổng giá trị giao dịch của khối ngoại trong gần 1 năm trở lại đây chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10% trong 1 phiên giao dịch và không còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, thay vào đó dòng tiền nội mới thực sự đóng vai trò dẫn dắt thị trường giai đoạn này và thời gian tới, dòng vốn ngoại có bán ròng thì cũng không phải là vấn đề lớn đối với TTCK Việt Nam.
Cổ phiếu bất động sản cổ cần nhịp nghỉ
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3, CTCK Yuanta CN Hà Nội
Theo tôi yếu tố chủ yếu giúp thị trường giai đoạn này vượt đỉnh lịch sử là do (1) thông tin các gói kích kích kinh tế sẽ đạt quy mô rất lớn. (2) Lượng mở tài khoản mới thời gian qua vẫn ở mức cao và dòng tiên trực chờ giải ngân ở các công ty chứng khoán lớn nên khi có tín hiệu tích cực dòng tiền này tham gia tạo động lực thị trường tăng mạnh.
Khối ngoại ngoài những khoản đầu tư dài hạn họ vẫn luôn duy trì lượng tiền giao dịch để lướt sóng ngắn hạn nên có những thời điểm ngắn hạn khối ngoại quay lại mua ròng để tối đa lợi nhuận. Theo thống kê của tôi năm nay những giai đoạn khối ngoại mua ròng đều diễn ra rất ngắn và dài nhất khoản 3 tuần. Nên giai đoạn này khối ngoại quay lại mua ròng theo tôi có tính thời điểm.
Động lực thúc đẩy thị trường tiếp tục đi lên thời gian tới chủ yếu từ các chính sách vĩ mô: chính sách đầu tư công, các gói kích thích kinh tế. Những nhóm ngày hưởng lợi trong thời gian tới theo tôi: bất động sản, vật liệu xây dựng đặc biệt là các cổ phiếu được lợi từ xuất khẩu đặc biệt là nhóm ngành thép, nhóm này đã có thời gian đầu tư xây dựng cơ bản xong và bước vào tập trung sản xuất, xây dựng sẽ hưởng lợi từ đầu tư công; nhóm bán lẻ, hàng không sẽ hưởng lợi từ mở cửa và kích thích nền kinh tế.
Khởi nguồn của con sóng bất động sản là do mở cửa lại nền kinh tế giúp dòng tiền lưu động hơn và giá đất nhiều khu vực tăng cao hơn giai đoạn trước dịch, đầu tư công nhất là cao tốc Bắc – Nam sẽ giúp giá đất nhiều dự án tăng cao từ đó dẫn đền tiềm năng các cổ phiếu bất động sản tốt trong thời gian tới. Theo tôi giai đoạn này nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh và các cổ phiếu đó cần nhịp nghỉ để có thể tăng cao hơn. Các cổ phiếu còn tiềm năng vẫn chưa tăng mạnh giai đoạn này như VHM, LHG.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận