Tâm điểm chứng khoán: 1.300 điểm có phải đáy ngắn hạn, Bank - Chứng - Thép sẽ diễn biến ra sao?
Chuyên gia cho rằng dòng tiền sẽ có sự phân hóa, các cổ phiếu tăng nóng giai đoạn vừa qua có thể chịu áp lực điều chỉnh lớn hơn tuy nhiên vẫn có không ít cơ hội đầu tư dù triển vọng kinh tế quý 3 kém khả quan.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua đã có dấu hiệu ổn định hơn sau 2 phiên giảm sốc trước đó. Tuy nhiên, xu hướng của thị trường vẫn chưa rõ ràng khi VN-Index đang giằng co quanh ngưỡng 1.300 điểm với biên độ khá lớn.
Một thông tin đáng chú ý là Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) mới đây đã hé lộ việc Fed chưa quyết định về chương trình giảm mua tải sản do tình hình biến thể Delta vẫn lan rộng trên hơn 50 bang tại Mỹ cũng như là việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ít nhất đến cuối năm.
Thông điệp của Fed sẽ có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam? Liệu rằng 1.300 điểm có phải là đáy ngắn hạn hay chưa? Đâu là những cơ hội đầu tư đáng lưu ý trong thời gian tới?
BizLIVE ghi nhận ý kiến các chuyên gia chứng khoán xoay quanh chủ đề trên.
Bank - Chứng - Thép đã đi qua giai đoạn nóng nhất
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest
Fed sẽ chưa thể dừng chương trình mua lại trái phiếu từ nay đến cuối năm nên chứng khoán Mỹ chưa xuất hiện các yếu tố tiêu cực gây áp lực lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Thị trường trong nước sẽ chưa gặp các yếu tốt bất lợi từ quốc tế.
Nhà đầu tư nội tiếp tục chịu chi phối từ yếu tố dịch bệnh trong nước. Hiện TP.HCM đang làm chặt hơn giãn cách xã hội và đã triển khai được khoảng 80% dân cư tiêm mũi 1 vắc xin. Với tiến độ hiện tại, thành phố và các tỉnh phía Nam có thể dần kiểm soát hình trong nửa cuối tháng 9.
3 nhóm ngành Bank - Chứng - Thép đã tạm đi qua giai đoạn nóng nhất. Với nhóm Ngân hàng, giá đang dần điều chỉnh về mức hợp lý hơn sau khi nhiều ngân hàng ghi nhận mức định giá P/B lên tới 2,5 lần. Nếu có điều chỉnh tiếp, giá có thể cũng chỉ giảm thêm 4-5%. Nguyên nhân, chủ yếu vẫn do lợi nhuận quý 3 và quý 4 bị ảnh hưởng do điều kiện giãn cách. Thực tế, Ngân hàng vẫn hoạt động bình thường kể cả trong dịch, thu nhập lãi thuần nhiều khả năng cũng khó giảm. Chủ yếu, lợi nhuận giảm là do thực hiện trích lập.
Với nhóm Thép, quý 3 và quý 4 được dự báo sẽ có kết quả tích cực nhờ giá thép tăng. Tuy nhiên, định giá của nhiều cổ phiếu đã khá nóng, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư sang cả năm sau. Lợi nhuận có thể tăng mạnh nhưng chưa chắc giá cổ phiếu đã tăng tương ứng. Cùng phải lưu ý tới việc bức tranh ngành xây dựng đang bị COVID-19 làm ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ của ngành thép trong thời gian tới.
Hiện nhóm Chứng khoán vẫn là nhóm ngành sáng nhất trong 3 ngành dù nhiều CTCK đã ở mức định giá hơn 1 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của một số NHTMCP nhỏ. Giao dịch trên thị trường vẫn được duy trì bình thường, nhà đầu tư vẫn đi vay margin trong khi tự doanh không bị ảnh hưởng. Tiềm năng tăng trưởng của các CTCK theo tôi là vẫn còn.
Khi thị trường hạ nhiệt, một số nhóm ngành như Tiện ích với các cổ phiếu như HDG, PC1, POW đã được dòng tiền khai thác tuy nhiên, đây chỉ là sự luân chuyển tạm thời và các nhóm ngành này khó có thể tăng mạnh khi thị trường bật lên.
Các cơ hội theo một nhóm ngành sẽ là không hề dễ dàng thay vào đó là các cổ phiếu đơn lẻ ở một số ngành như Bán lẻ, Khu Công nghiệp, Xuất khẩu, Vận tải - Logistics sẽ có đà tăng nổi bật. Đó là các mã GMD, HAH ở nhóm Logistics, Cảng biển; các mã FMC, VHC, GDT nhờ các gói kích thích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ. Xu hướng tiêu dùng tại Mỹ đang trong sự chuyển dịch nguồn cung khỏi Trung Quốc nên các mảng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục khả quan.
Các doanh nghiệp bán lẻ như laptop, dược phẩm cũng sẽ hưởng lợi khi người tiêu dùng trong nước chuyển đổi thói quen mua sắm dẫn đến các cổ phiếu như DGW, FRT, PET vẫn tiếp tục tạo được sức hút. Ngoài ra, một số cổ phiếu Khu Công nghiệp vẫn sẽ tích cực khi nền kinh tế được vận hành bình thường trở lại.
Dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại do tác động của dịch bệnh
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Việc Fed giảm tốc độ mua tài sản hay tăng lãi suất, những yếu tố căn bản trong chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau suy thoái do đại dịch. Tuy nhiên, quy trình rút các biện pháp kích thích sẽ bắt đầu sớm và chương trình hỗ trợ sẽ dừng trong năm tới.
Trong ngắn hạn, Fed có thể sẽ chưa tăng lãi suất và nhà đầu tư vẫn còn kỳ vọng rất cao vào thị trường. Bằng chứng là việc Fed bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế mỗi tháng và Fed có thể đẩy giá tài sản lên, điều này sẽ khích lệ nhà đầu tư.
Thị trường trong tuần qua đã ổn định lại ở vùng 1.300 điểm trong tuy nhiên để khẳng định đây là đáy ngắn hạn hay chưa cần phải tiếp tục quan sát thêm diễn biến các phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ để đưa ra kết luận.
Thị trường vẫn đang bị tác động bởi yếu tố dịch bệnh cho nên dòng tiền có thể sẽ chưa sẵn sàng quay trở lại. Sự phân hóa khá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu có thể khiến thị trường tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn và dòng tiền nhiều khả năng sẽ luân chuyển giữa các nhóm Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Thép.
Trong giai đoạn vừa qua, nhóm Ngân hàng đã có đợt sụt giảm khá mạnh nhưng đã có dòng tiền quay trở lại trong phiên cuối tuần và có thể sẽ có nhưng diễn biến tích cực hơn trong các phiên tới. Trong khi đó, nhóm Chứng khoán đã tăng khá nóng trong giai đoạn vừa qua và có thể sẽ phải đối diện với áp lực điều chỉnh để có thể đi lên bền vững hơn trong trung và dài hạn.
Hiện tại như đã đề cập dòng tiền đang luân chuyển giữa các dòng cổ phiếu và thị trường sẽ bị phân hóa khá mạnh. Đây là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục và tìm ra được những dòng cổ phiếu có câu chuyện cũng như có động lực tăng trưởng vào cuối năm như Bất động sản. Các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc giải ngân vốn đầu tư công, nhóm các cổ phiếu xây dựng hoặc các cổ phiếu hưởng lợi từ việc phục hồi kinh tế sau đại dịch như xuất nhập khẩu, vận tải, sản xuất, bất động sản khu công nghiệp.
Nhóm Ngân hàng có thể điều chỉnh thêm
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS
Những động thái, hành động của Fed luôn khiến thị trường chứng khoán quan tâm. Các nhà đầu tư dường như rất mong chờ vào hành động của Fed để đưa ra các quyết định giao dịch cổ phiếu.
Thông điệp mới đây của Fed đã có tác đông nhất định lên TTCK Mỹ, chỉ số DJ hồi phục mạnh phiên giao dịch cuối tuần trước khi quay trở lại vùng đỉnh 35.450 - 35.500 điểm. Đây có thể là thông tin hỗ trợ chứng khoán Việt Nam trong hiện tại nhìn dưới mối liên hệ liên thị trường tài chính.
Thị trường đang trong chuỗi phiên hồi phục ngắn để quay trở lại vùng 1.315 - 1.320 điểm khi VN-Index tạm thời tạo đáy ngắn hạn tại vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng... vẫn đang có khả năng diễn biến điều chỉnh thêm.
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán đang tạm thời điều chỉnh nhưng dư địa tăng điểm trở lại vẫn còn. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng còn đáng lo ngại hơn do tỷ trọng vốn hóa, số lượng cổ phiếu trên thị trường lớn trong khi lực cung cổ phiếu lớn dễ có thể điều chỉnh thêm trong ngắn hạn.
Triển vọng kinh tế kém lạc quan trong quý 3 nhưng vẫn có những nhóm ngành có kết quả kinh doanh khởi sắc như nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, dược phẩm, hóa chất, cảng biển, phân bón ....Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên tìm kiếm các cơ hội đầu tư đặc biệt trong nhóm cổ phiếu này như GMD, HAH, DVN, DPM, DCM, BFC, DHG, DMC, IMP, DGC....
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận