Taliban kiểm soát Afghanistan
Chỉ trong hơn 3 tháng, lực lượng Taliban tiến công như vũ bão và tiến về thủ đô Kabul, việc chuyển giao quyền lực được cho là sẽ sớm diễn ra.
Sau khi bao vây Kabul tứ phía, các đại diện của Taliban hôm qua tiến vào dinh tổng thống Afghanistan tại thủ đô để đàm phán, chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực. Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi Afghanistan và một chính phủ lâm thời sẽ sớm được thành lập.
Taliban tiến vào Kabul
Sau khi tiến công vũ bão đến thủ đô, lực lượng Taliban ra lệnh cho các tay súng kiềm chế bạo lực, cho phép đi lại an toàn đối với những người muốn rời khỏi đây và hướng dẫn phụ nữ hướng đến các khu vực được bảo vệ, theo một lãnh đạo Taliban tại Doha (Qatar). Theo AFP, một phát ngôn viên của Taliban chỉ đạo các lực lượng chờ ở cổng vào Kabul, sau khi Bộ Nội vụ Afghanistan cho hay lực lượng Taliban bắt đầu tiến vào thủ đô Kabul từ mọi phía.
Phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban cho biết lực lượng này đang đối thoại việc chính phủ đầu hàng một cách ôn hòa ở Kabul. “Các chiến binh Taliban chờ sẵn ở mọi ngõ vào Kabul cho đến khi đạt thỏa thuận về chuyển giao quyền lực ôn hòa và thỏa đáng”, ông phát biểu. Trong khi đó, một quan chức Afghanistan cho hay Tổng thống Ashraf Ghani đang trao đổi với đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và các quan chức NATO. Quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal sau đó cho biết ông Ghani sẽ từ chức, Kabul sẽ không bị tấn công và sự chuyển giao sẽ diễn ra trong hòa bình.
Các nguồn tin ngoại giao hôm qua cho rằng ông Ali Ahmad Jalali, một học giả ở Mỹ và là cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, có thể sẽ trở thành người đứng đầu chính quyền lâm thời của Afghanistan.
Lực lượng nước ngoài gấp rút sơ tán
Trong lúc đó, lực lượng nước ngoài đang gấp rút rời đi. Một quan chức Mỹ cho hay các thành viên “cốt lõi” của phía Mỹ đang tạm làm việc tại sân bay Kabul. “Mỹ đã chỉ dẫn các đại sứ quán khác tại Kabul hoạt động với số lượng nhân viên hạn chế tại một địa điểm thích hợp”, theo quan chức Mỹ giấu tên. Quan chức này cho hay hiện còn chưa đến 50 quan chức sứ quán Mỹ ở Kabul. Theo CNN sau đó dẫn lời nguồn thạo tin, Mỹ sẽ rút toàn bộ nhân sự đại sứ quán ở Kabul trong vòng 72 giờ.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh cho hay đang hỗ trợ công dân rời Afghanistan. Một số nhân viên các nước Liên minh Châu Âu đã di chuyển đến một địa điểm bí mật và an toàn hơn tại Kabul. Một quan chức Ấn Độ cho hay nước này sẽ không đóng cửa sứ quán ở Kabul nhưng đang nhanh chóng đưa ra kế hoạch sơ tán, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Nga thì cho biết không có kế hoạch đóng cửa hay rút nhân viên ngoại giao khỏi Kabul, đồng thời khẳng định Taliban đã cam kết đảm bảo an ninh cho các nhân viên ngoại giao của Nga và một số nước khác tại Afghanistan. Một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ được cho là sẽ sớm được tiến hành trước những diễn biến mới tại Afghanistan, theo AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga.
3 tháng tiến quân
Vào đầu tháng 5, NATO bắt đầu đợt rút 9.600 binh sĩ tại Afghanistan, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chấm dứt cuộc chiến 20 năm của Washington. Đây cũng chính là thời điểm lực lượng Taliban triển khai chiến đấu với lực lượng chính phủ tại tỉnh Helmand ở miền nam vào ngày 4.5, bắt đầu quá trình đẩy lùi quân chính phủ, giành quyền kiểm soát tại nhiều khu vực trên cả nước.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi một trong các căn cứ không quân lớn nhất ở Afghanistan là Kandahar - thành phố lớn thứ 2 trên cả nước - vào giữa tháng 5, Taliban đã nhanh chóng chiếm nhiều huyện thuộc tỉnh Wardak gần Kabul và tại tỉnh Ghazni, chặn đứng nhiều tuyến đường kết nối Kandahar với thủ đô. Trong vòng 1 tháng sau đó, lực lượng này tiếp tục chiếm nhiều huyện tại các tỉnh phía bắc. Đến ngày 22.6, Taliban chiếm được cửa khẩu chính với Tajikistan là Shir Khan Bandar, buộc quốc gia láng giềng phải khẩn cấp kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 2.7, Mỹ và NATO thông báo rút tất cả binh sĩ khỏi Bagram, căn cứ không quân lớn nhất Afghanistan và là trung tâm triển khai các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu tại nước này trong 2 thập niên qua. Chỉ 2 ngày sau đó, Taliban chiếm huyện Panjwai ở Kandahar, cái nôi và là thành lũy trước đó của lực lượng này. Tiếp đến, Taliban giành quyền kiểm soát các cửa khẩu như Islam Wala với Iran vào ngày 9.7 và cửa khẩu Spin Boldak với Pakistan vào ngày 14.7. Thời điểm này, Mỹ kêu gọi Taliban “tham gia đàm phán nghiêm túc” để quyết định lộ trình chính trị cho tương lai của Afghanistan, sau khi lực lượng này khẳng định không ngừng bắn trừ khi có thỏa thuận về chính phủ mới. Hòa đàm tại Qatar sau đó không đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Sau khi kiểm soát nhiều khu vực nông thôn, Taliban đẩy mạnh chiến dịch tấn công các thành phố lớn như Lashkar Gah, Kandahar và Herat. Vào ngày 6.8, Taliban chiếm đô thị đầu tiên trên cả nước là Zaranj thuộc tỉnh Nimroz phía tây nam mà không cần giao tranh. Những ngày sau đó, hàng loạt thành phố thất thủ như hiệu ứng dây chuyền, bao gồm Sheberghan, Kunduz, Sar-e-Pul, Taloqan, Aibak, Farah và Pul-e-Khumri. Chỉ trong vòng một tuần lễ, Taliban chiếm Faizabad rồi tới thành phố Ghazni phía tây nam Kabul và Herat phía tây thủ đô, trước khi chiếm Kandahar và Lashkar Gah ở phía nam. Các thành phố Asadabad, Gardez và Mazar-i-Sharif thất thủ vào ngày 14.8, trước khi Taliban chiếm thành phố Jalalabad vào ngày 15.8 và tiến vào thủ đô. Kabul có 4 cửa ngõ chính là Maidan Shahr phía tây nam, Pul-e-Alam phía nam, Surobi phía đông và Bagram phía bắc thì đều đã rơi vào vòng vây của Taliban sau hơn 3 tháng.
AP hôm qua cũng dẫn lời giới chức Afghanistan cho hay các binh sĩ tại căn cứ không quân Bagram đã đầu hàng Taliban. Căn cứ này có một nhà tù với khoảng 5.000 tù nhân gồm các tay súng của Taliban lẫn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Lực lượng Afghanistan thất thủ quá nhanh
Liên tiếp các khu vực từ nông thôn đến thành thị ở Afghanistan đã thất thủ quá nhanh, dù Mỹ đã rót hàng chục tỉ USD vào vũ khí, trang thiết bị lẫn huấn luyện cho lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan suốt hai thập niên qua. Theo tờ New York Times, lực lượng chính phủ Afghanistan đã rệu rã bắt đầu từ những tiền đồn riêng lẻ ở các vùng nông thôn, nơi các đơn vị quân đội và cảnh sát thiếu thốn, cạn kiệt đạn dược. Taliban bao vây và hứa hẹn cho họ rút đi an toàn nếu đầu hàng và để lại vũ khí. Tình trạng đó lần lượt diễn ra giúp các tay súng Taliban dần kiểm soát toàn bộ các vùng nông thôn.
Trên giấy tờ, lực lượng an ninh Afghanistan có khoảng 300.000 binh sĩ, nhưng theo giới chức Mỹ, con số thực tế gần đây thấp hơn nhiều. Theo BBC dẫn ước tính của Trung tâm chiến đấu chống khủng bố Mỹ, thành phần nòng cốt chỉ có khoảng 60.000 binh sĩ. Giới chức chính phủ làm ngơ trước số lượng binh sĩ thực tế cũng như việc không được đảm bảo lương khiến họ trở nên chán chường. Ngoài ra, việc Mỹ rời đi gấp gáp cũng khiến mô hình quân đội của Afghanistan dễ dàng thất bại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận